Một số phương pháp điều trị bướu giáp lan tỏa theo y học cổ truyền

Bướu giáp lan tỏa là tình trạng tuyến giáp to đều cả 2 bên. Bướu giáp lan tỏa không độc (lành tính) có thể không cần chữa trị hoặc chỉ cần chữa trị bằng phương pháp sử dụng hormone trị liệu. Bướu giáp lan tỏa nhiễm độc thì chữa trị nan giải hơn. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bướu giáp lan tỏa theo y học cổ truyền.
09/01/2023 12:37

Bướu giáp lan tỏa không độc (bướu giáp lan tỏa lành tính)

Bướu giáp lan tỏa không độc là tuyến giáp phì đại mà không có rối loạn chức năng tuyến giáp, có thể lan tỏa hoặc phát triển cục bộ. Nếu bướu cổ lớn, sẽ mở rộng vào khoang sau túi. Do không gian hạn chế trong trung thất, bướu cổ gây chèn ép lên khí quản trên, dây thần kinh thanh quản và thực quản.

Bướu giáp lan tỏa nhiễm độc (hay còn gọi là Basedow)

Bướu cổ lan tỏa nhiễm độc (Basedow) là bệnh cường giáp kết hợp với bướu phì đại lan tỏa. Bệnh có thể do nhiễm khuẩn, di truyền, tổn thương tinh thần,… Nguyên nhân cơ bản trong cơ chế dẫn đến bệnh Basedow là tăng tiết hormon giáp. Biểu hiện bệnh Basedow khác nhau tùy vào độ tuổi:

- Ở trẻ em và tuổi trưởng thành: tuyến giáp khá to, diễn biến lâm sàng có nhiều đặc điểm khác với người lớn. Người bệnh hay quên, nhức đầu, mất tập trung, chiều cao phát hiển tranh, sinh dục không phát triển. Cũng có các trường hợp trẻ em bị nhiễm độc giáp cấp. Trẻ em ít có triệu chứng suy tim, rối loạn tiêu hóa…

- Ở người lớn tuổi: triệu chứng đầu tiên của bệnh là rối loạn tim mạch, suy tim, đau vùng trước tim,… Tuyến giáp to vừa phải, bướu giáp hỗn hợp (vừa lan tỏa vừa thành nhân), các triệu chứng về mắt không rõ, run tay không đặc trưng.

Chẩn đoán bướu cổ lan tỏa, nhiễm độc cần sự kết hợp các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm. Trong đó, chụp X-quang và xét nghiệm máu rất quan trọng để đưa ra kết luận về nguyên nhân cơ bản của bệnh. Sau khi được chẩn đoán, dựa vào hồ sơ bệnh án bác sĩ sẽ tư vấn các tác dụng phụ của từng phương pháp điều trị để người bệnh lựa chọn. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một số phương pháp điều trị bướu giáp lan tỏa theo y học cổ truyền

Điều trị bướu giáp lan tỏa lành tính

Thành phần: 50g rong biển; 100g gạo tẻ.

Thực hiện: Gạo tẻ vo sạch cho vào nồi 1 lít nước. Rong biển rửa sạch và thái nhỏ, cho vào nồi nấu cháo; Để lửa to cho tới khi sôi thì giảm lửa, nấu nhừ; Thêm vào chút muối cho vừa ăn.

Cách sử dụng: Ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối

Lưu ý:

- Để ngăn ngừa bướu giáp lành tính, cần ăn những thực phẩm giàu iốt như: Cá biển, rau cải xoong, rau dền, khoai tây…

- Để giữ được iốt khi chế biến món ăn, chỉ nêm muối vào thức ăn khi vừa tắt bếp.

- Muối iốt không nên phơi nắng, rang nóng hoặc để trên gác bếp sẽ làm giảm tác dụng. Muối iốt đựng trong túi nilon nhỏ hàn kín để nơi khô ráo và không dự trữ quá 6 tháng.

- Bắp cải chứa một hàm lượng nhỏ goitrin, có tác dụng chống oxy hóa nhưng lại là tác nhân gây bướu cổ. Vì vậy, người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải, hoặc ăn lượng vừa phải và phải chế biến kỹ

Điều trị bướu giáp lan tỏa nhiễm độc

Phù tuyến giáp đơn thuần được gọi là khí ảnh (bướu khí). Cường tăng tuyến giáp được gọi là nhục ảnh (bướu thịt).

Bệnh thuộc can khí uất trệ tân dịch không vận hành được, ngưng kết thành đờm, khí trệ lâu ngày dẫn đến huyết ứ, khí đờm ứ lại tập trung ở cổ tạo thành bướu cổ. Phép trị theo Đông y là hóa đờm nhuyễn kiên là chính, hỗ trợ ích khí dưỡng âm hóa ứ.

Một số bài thuốc sau đây có thể chữa bướu giáp lan tỏa nhiễm độc.

Bài 1: Toàn chân ích khí thang gia giảm: 4g nhân sâm; 8g mạch môn; 8g ngũ vị tử; 6g thục địa; 4g bạch truật; 4g ngưu tất; 2g phụ tử chế.

Chủ trị: Bướu cổ sưng to có cảm giác đè ép lưỡi khi nói; Thở ngắn; Mặt hơi phù; Lưỡi hơi đỏ; Mạch huyền hoãn.

Nguyên nhân do âm dương bất hòa nên phép trị phải phù dưỡng âm như trên.

Bài 2: Nhị trần thang gia vị: 15g bán hạ; 12g phục linh; 10g trần bì; 15g côn bố; 15g hải tảo; 4g bạch giới tử; 5g sinh cam thảo. Sắc uống ngày 1 thang.

Chủ trị bướu cổ, tim đập hồi hộp, yếu mệt tự ra mồ hôi, chóng đói, gầy, tay run, mắt hơi lồi.

Nguyên nhân do đờm kết ở cổ, hỏa bốc lên trên, đờm hỏa quấy rối gây nóng gắt, dễ đói, gầy.

Theo Nội khoa Việt Nam

comment Bình luận

largeer