Mùa cao điểm của kiến ba khoang, khuyến cáo người dân cẩn trọng

Theo nghiên cứu, vào mùa thu đông từ tháng 9 đến tháng 12 là mùa cao điểm của kiến ba khoang. Đặc biệt, nọc độc của loài côn trùng này độc gấp 12 -15 lần rắn hổ nên mọi người càng nên cẩn trọng.
24/09/2020 12:18

Kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da), nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị chà xát hoặc bị giết.

Theo công bố của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ. Tuy không gây chết người như nọc độc rắn vì tiếp xúc lượng nhỏ ngoài da nhưng rất khó chịu và nguy hiểm nếu không biết cách xử lý ban đầu.

Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng, đất bỏ hoang... Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm, nên chúng sẽ bay vào nhà dân, làm tổ và có thể đậu ở bất kỳ nơi nào từ quần áo đến chăn màn, chiếu gối, khăn mặt… 

kien ba khoang

Dấu hiệu khi bị kiến ba khoang cắn

Vết thương do kiến ba khoang cắn thường xuất hiện ở các vùng da hở với vệt dài hoặc thành từng đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ, rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lõm màu trắng vàng ở giữa. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, có thể bị loét, làm rỉ dịch. Đồng thời, vết thương thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu.

Do dấu hiệu của việc bị kiến cắn khá giống với bệnh giời leo nên nhiều người dễ bị nhầm lẫn. Trong một bài phỏng vấn báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, hầu hết bệnh nhân khi đến khám cho rằng bị viêm da do zona (giời leo). Họ tự mua thuốc điều trị song bệnh không khỏi còn nặng hơn nên mới đến viện. Có người vào viện khám khi vết thương đã bị bội nhiễm mưng mủ, loang rộng so với ban đầu.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm (Trưởng khoa virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), chất dịch từ kiến ba khoang tiếp xúc với da chúng ta sẽ gây nên những hiện tượng lở loét, bỏng rát… Mặc dù vậy, đây không phải là căn bệnh gì quá nguy hiểm. 

Về bản chất, kiến ba khoang không thể truyền nọc độc lên da người. Chúng ta chỉ bị nhiễm nọc độc của kiến ba khoang trong trường hợp đập, di, giết chúng trực tiếp trên da làm cho nọc độc từ kiến tiếp xúc với da và gây ngứa, bỏng rát, phồng rộp. Vì vậy, nếu không may thấy kiến ba khoang bậu trên da thì nên cố gắng thổi chúng ra khỏi người rồi mới giết. Tuy nhiên, cần nhớ là không được giết trực tiếp bằng tay mà nên dùng vật dụng khác để giết chúng.

Xử lý khi bị kiến ba khoang cắn

Khi bị kiến ba khoang cắn hay lỡ tay đập chết chúng, bạn cần rửa sạch vết thương càng nhanh càng tốt và lau khô, sau đó nhanh chóng đến khám bác sĩ da liễu. Tại đây, các bác sĩ sẽ cho bạn một số loại thuốc giảm đau, chống phù nề, chống dị ứng, kháng histamine tại chỗ… tùy theo tình hình vết thương do kiến ba khoang gây ra. 

Để phòng tránh kiến ba khoang bay vào nhà, nên đóng kín hết cửa hoặc buông rèm nếu bật đèn. Có thể dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương…Nếu có thể thì bật đèn ban công để thu hút kiến ba khoang ở ngoài, không chui vào nhà nữa. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, không nên tiếp xúc trực tiếp. Nếu thấy kiến ba khoang bay hay bò hăng hái trên người thì hãy hít hơi lấy đà và thổi bay chúng ra khỏi người sau đó mới giết chúng bằng khăn giấy, tuyệt đối không chạm trực tiếp vào chúng. 

Dương Nhung (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer