Mỹ: Làn sóng COVID-19 do biến chủng Delta sắp đạt đỉnh

Làn sóng COVID-19 ở Mỹ do biến chủng Delta có thể sớm đạt đỉnh, nhưng các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan và virus sẽ là một phần cuộc sống hàng ngày trong nhiều năm tới.
15/09/2021 08:08

Tính đến ngày 13/9, số ca mắc COVID-19 trung bình hàng ngày trong bảy ngày tại Mỹ là 172.000 ca, mức cao nhất của đợt dịch lần này. Tốc độ gia tăng số ca đang chậm lại, khi các ca bệnh giảm dần ở hầu hết bang của Mỹ, theo dữ liệu tổng hợp của Covid Act Now, AFP đưa tin ngày 15/9.

Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có hơn 1.800 người không qua khỏi và hơn 100.000 người phải nhập viện vì có triệu chứng nghiêm trọng. Đây như một lời nhắc nhở nghiệt ngã về thách thức mà chính quyền Tổng thống Joe Biden phải đối mặt trong khuyến khích người Mỹ đi tiêm phòng.

Bhakti Hansoti - phó giáo sư y học cấp cứu tại Đại học John Hopkins, chuyên gia về chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nguy kịch - nói với AFP rằng bà thấy tình hình dịch bệnh ở Mỹ đang đi theo quỹ đạo tương tự Ấn Độ.

Các quốc gia ở Tây Âu cũng đã chứng kiến số ca nhiễm đi xuống trong đợt dịch do biến chủng Delta hoành hành.

j

Người đi bộ băng qua đường tại New York ngày 4/9.

Trong khi bà Hansoti thở phào nhẹ nhõm khi làn sóng dịch vào mùa xuân đã kết thúc, bà thừa nhận “hơi do dự" để kết luận trong khoảng thời gian này.

Khả năng xuất hiện các biến chủng mới đáng lo ngại hơn, thời tiết lạnh khiến người dân tham gia hoạt động trong nhà nhiều hơn có thể khiến số ca mắc lại tăng lên, “trừ khi chúng ta đã học được kinh nghiệm từ làn sóng thứ 4”.

Angela Rasmussen, nhà virus học tại Đại học Saskatchewan ở Canada, nói thêm rằng bà không chắc đợt dịch thứ tư tại Mỹ đã kết thúc.

“Nếu nhìn vào làn sóng dịch diễn ra vào mùa thu đông, có những giai đoạn số người mắc tăng theo cấp số nhân, sau đó giảm xuống, rồi lại tăng trở lại”, bà nói.

Để đảm bảo biến chuyển tích cực này được duy trì, thúc đẩy thêm càng nhiều người đi chủng ngừa là điều quan trọng. Hiện 54% dân số tại Mỹ đã chủng ngừa đầy đủ.

Con số này của Mỹ đứng đằng sau nhiều quốc gia khác, trong đó có Bồ Đào Nha (81%) và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) (79%).

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tuần trước đã công bố một số biện pháp mới nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, tác động của quy định mới vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Ngọc Huyền (Theo AFP)

comment Bình luận

largeer