Năm học 2022-2023: Ứng phó với khó khăn, giữ đà phát triển của giáo dục đại học

Chiều ngày 12/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học (GDĐH). Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn điều hành Hội nghị.
13/09/2022 08:36

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, và 12 nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định rõ trong Chỉ thị năm học năm học 2022-2023. Bám sát Chỉ thị, hội nghị này sẽ tập trung bàn những vấn đề cụ thể về 6 lĩnh vực chuyên môn sâu của GDĐH: Tổ chức bộ máy, tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị

Thẳng thắn đánh giá kết quả và hạn chế

Theo báo cáo tổng kết của Vụ Giáo dục đại học, khối GDĐH trong năm học 2021-2022 đã triển khai tự chủ đại học mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống.

Công tác tuyển sinh đạt kết quả nổi bật, đảm bảo an toàn, công khai minh bạch, đúng quy chế, với sự thành công lớn của các cơ sở GDĐH cả nước. Đặc biệt, đại học chính quy đạt tỷ lệ cao nhất trong 3 năm qua với 94,16%. Tăng cường ứng dụng CNTT trong nhiều khâu của quá trình tuyển sinh, trong đó, tất cả các khâu trong tuyển sinh tiến hành trực tuyến.

Đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và chất lượng. Phát triển khoa học và công nghệ bắt đầu chú trọng chất lượng, thực chất. Số chương trình đào tạo được công nhận kiểm định tăng mạnh, nhất là kiểm định nước ngoài. Các cơ sở GDĐH đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong dạy và học; tổ chức dạy và học trực tuyến; đồng thời duy trì chất lượng đào tạo trong điều kiện khó khăn của đại dịch.

Cơ sở GDĐH Việt Nam tiếp tục duy trì và giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. 5 cơ sở GDĐH xếp hạng thế giới 2022 (Top 1000+, THE); 11 cơ sở GDĐH xếp hạng các trường đại học Châu Á (QS Asia University Rankings 2022).

Tuy nhiên, GDĐH cũng gặp một số hạn chế về thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ đại học. Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa được kiện toàn. Một số cơ sở chưa xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm; chưa xây dựng, ban hành văn bản, quy chế theo thẩm quyền, hoặc chưa đầy đủ và đúng quy định pháp luật, đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính. Thanh tra nội bộ chưa thực sự là lực lượng hữu hiệu trong quản trị nhà trường. Một số cơ sở còn chậm trong chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp dạy và học.

Về công tác tuyển sinh, phương thức xét tuyển ngày càng phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt, nhưng chưa đầu tư về các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo. Một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực. Một số trường chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định.

Về đào tạo, một số cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo. Quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm. Vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành, một số khối ngành (I, II, IV) tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Về điều kiện đảm bảo chất lượng, một số nơi chưa đảm bảo duy trì ngành đào tạo, đáp ứng gia tăng số lượng, duy trì và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển KHCN, gắn với đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Vụ GDĐH xác định, những hạn chế nói trên do một số nguyên nhân chính. Theo đó, hệ thống pháp luật đang tiếp tục cần được đồng bộ, điều chỉnh, hoàn chỉnh. Nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ; năng lực quản trị đại học nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Nguồn lực cho giáo dục đại học cả về đội ngũ và tài chính còn rất hạn chế. Bản thân nội tại cơ sở GDĐH còn các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết triệt để.

Từ đó, Vụ GDĐH đề xuất một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh, cần chú trọng nâng cao năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở GDĐH và hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực quản trị đại học theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023; xác định định hướng tuyển sinh từ năm 2025. Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý và dạy học. Tăng cường các điều kiện đảm bảo và quản lý chất lượng phát triển các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới.  Đẩy mạnh và tăng cường các lĩnh vực: hội nhập quốc tế; công tác thanh tra và công tác truyền thông về GDĐH.

Công tác tuyển sinh đảm bảo quyền lợi, bình đẳng và công bằng cho thí sinh

Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến thảo luận từ các cơ sở GDĐH, các tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH tại Việt Nam và các Vụ, Cục chuyên môn của Bộ GDĐT.

Đa số các cơ sở GDĐH thống nhất với báo cáo của Vụ GDĐH, đồng thời, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Bộ GDĐT và hệ thống GDĐH trong việc khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, từ tuyển sinh đến đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,… và duy trì thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo quyền lợi và công bằng cho thí sinh là chủ trương xuyên suốt đúng đắn của công tác tuyển sinh. Việc thực hiện các quy định mới giúp nhà trường triển khai công tác đào tạo thuận lợi hơn. Kết quả lọc ảo của nhóm trường miền Bắc đến thời điểm này vận hành tốt, quá trình xét tuyển ổn định, số thí sinh trúng tuyển khá tương đồng với chỉ tiêu. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất trong tuyển sinh 2023, cần chú trọng hơn nữa đến nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra.

Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội… đều nhận định, năm nay, công tác tuyển sinh ổn định, thuận lợi; quy trình tuyển sinh, hệ thống phần mềm, hạ tầng đã góp phần tạo nên sự công bằng đối với tất cả các thí sinh, giúp cho hoạt động tuyển sinh diễn ra trơn tru và kỳ vọng kết quả tốt đẹp.

Các trường cũng có những đề xuất liên quan đến vấn đề học phí; thủ tục đảm bảo tính hợp pháp của phân hiệu; Bộ xem xét giải pháp hỗ trợ những thí sinh gặp một số lỗi trực tuyến nhằm đảm bảo quyền lợi của các em; khắc phục, điều chỉnh phù hợp hơn về điều kiện đảm bảo chất lượng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh; lưu tâm về hành lang pháp lý về ưu đãi đầu tư trong GDĐH;…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của xây dựng văn hoá quản trị mới trong nhà trường, đồng thời các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, quan tâm đến tăng chi ngân sách cho GDĐH mới có thể đảm bảo nguồn lực, nâng cao chất lượng.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, thứ nhất, đội ngũ lãnh đạo trường cần quan tâm tuân thủ thực thi pháp luật, đặc biệt liên quan đến tuyển sinh, đào tạo. Thứ hai, tăng cường nhận thức và năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ các trường, phòng tuyển sinh, đào tạo, tổ chức cán bộ… Đồng thời, trong trường đại học cần có bộ phận thực hiện chức năng pháp chế và thanh tra để giám sát việc thực hiện pháp luật.

Về tuyển sinh, Thứ trưởng ghi nhận những ý kiến phản ánh, đồng thời khẳng định, Bộ GDĐT rất nỗ lực triển khai các giải pháp; giành phần khó khăn về phía mình; chỉ thực sự cần thiết thì mới đưa ra những điều chỉnh, thay đổi nhằm đảm bảo sự bình đẳng và quyền lợi chính đáng, công bằng cho thí sinh.

Thứ trưởng cũng đề nghị, năm 2023, các trường cần suy nghĩ nhiều hơn cho thí sinh, đánh giá các phương thức tuyển sinh của trường, tránh quá nhiều phương thức phức tạp, nhằm hướng tới đảm bảo quyền lợi công bằng tối đa cho thí sinh. Do năm 2022 là năm đầu triển khai tất cả các khâu đăng ký và thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến nên Bộ sẽ tạo điều kiện tối đa, giải quyết xử lý các trường hợp thí sinh sai sót thông qua hướng dẫn xử lý từng tình huống.

Bộ GDĐT cũng đang nỗ lực để có thể trình được quy hoạch mạng lưới GDĐH vào cuối năm nay. Về kiểm định, song song với nỗ lực ban hành những văn bản cần thiết, Thứ trưởng mong muốn, các trường đại học cần quan tâm nhiều hơn để công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng trở thành công việc thường xuyên của nhà trường.

Hệ thống giáo dục chia sẻ với người dân trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại 2 năm khó khăn do dịch bệnh Covid-19 cũng là 2 năm giáo dục đại học triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) với rất nhiều công việc. Với những khó khăn đặt ra, Bộ trưởng đánh giá, hệ thống đại học đã nỗ lực, cố gắng để khắc phục khó khăn và triển khai đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục đại học.

Đặc biệt, năm học 2021-2022 được Bộ trưởng nhìn nhận là một năm hệ thống đại học đã triển khai các nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả, có sự gia tăng đáng kế về cơ cấu, số lượng ngành nghề đào tạo, phát triển thêm một số trường đại học, làm cho hoạt động đào tạo phong phú, đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đa dạng của đất nước.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới sự năng động hơn của các trường đại học, điều này đúng với tinh thần của Luật 34 về tự chủ đại học và khẳng định tự chủ đại học đi đúng hướng. Ngoài ra, trong một năm khó khăn nhưng các trường đại học Việt Nam vẫn giữ vững hoặc gia tăng chỉ số xếp hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế.

“Nhìn từ góc độ chất lượng, từ những thông tin thông qua việc kiểm định trong nước, quốc tế, thông qua thanh kiểm tra, qua đánh giá của người tuyển dụng, có thể thấy hoạt động giáo dục đại học dần đi vào thực chất, thực lực ở cả đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đó là những dấu hiệu đáng mừng. Như chỉ đạo của Thủ tướng về học thật, thi thật, chất lượng thật, gia tăng yếu tố liêm chính khoa học trong nghiên cứu, công bố, trong thông tin về chất lượng…”, Bộ trưởng đánh giá.

Ghi nhận sự nỗ lực của các trường, từ hệ thống quản lý, tới các nhà khoa học, các nhà giáo đã tham gia vào quá trình đổi mới. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thách thức của việc hoàn thiện tự chủ đại học còn đặt ra khá nhiều, do hệ thống đa dạng, điều kiện triển khai cũng như các yếu tố khác đang đặt ra nhiều thách thức với hệ thống giáo đại học.

Về những nhiệm vụ đối với giáo dục đại học trong năm học mới, Bộ trưởng lưu ý đầu tiên tới việc thực thi pháp luật trong triển khai hoạt động của các cơ sở giáo dục, để triển khai tự chủ đại học theo chiều sâu. Bộ trưởng đề nghị các trường tiếp tục rà soát quy chế nội bộ sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Tiếp tục kiện toàn các bộ phận, các quy định thẩm quyền chức năng trong các lĩnh vực tài chính, tài sản. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản trị đại học.

Liên quan đến việc tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, bao gồm cơ sở hạ tầng, trang thiếu bị, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân lực khoa học, Bộ trưởng nhìn nhận, hệ thống đại học hiện nay từ trường công cho đến trường tư đều đang trong tình trạng rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, do đó khuyến khích hệ thống các trường, các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh xã hội hóa đối với giáo dục đại học, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển. Riêng với hệ thống trường công, Bộ trưởng lưu ý đến tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công. “Tinh thần là chắt chiu từng phần nhỏ các nguồn lực tài chính đầu tư để có được sự cải thiện về điều kiện cơ sở vật chất vốn đã rất khó khăn”.

Với nhóm công việc tuyển sinh, ngoài lưu ý các trường cần làm tốt công tác tuyển sinh của năm 2022, Bộ trưởng cũng giao cho các trường đại học sớm xây dựng phương án tuyển sinh cho năm 2025.  “Bộ GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các trường đại học trong thời gian vài tháng nữa công bố phương án tuyển sinh, chuẩn đầu ra vào năm 2025. Hiện nay, Bộ đang tích cực hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT cho năm 2025. Việc công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2025 sẽ chưa đáp ứng được hoàn toàn mong đợi của dư luận, mà còn phải căn cứ vào định hướng về tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học”, Bộ trưởng nói và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học đặc biệt lưu ý công việc này.

Trao đổi về vấn đề nhiều trường đại học quan tâm là học phí và nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về học phí. Mặc dù học phí được quy định trong Nghị định 81 nhưng quan điểm của Chính phủ là cần có những điều chỉnh cho phù hợp với khó khăn sau 2 năm dịch bệnh Covid-19. “Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân, với xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Dự kiến, một vài ngày tới Nghị quyết sẽ được ban hành”, Bộ trưởng cho hay.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, triển khai Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên, cũng là những việc được Bộ trưởng lưu ý với các cơ sở giáo dục đại học trong năm học mới.

“Khó khăn, thách thức còn rất nhiều ở phía trước, nhưng với tinh thần lường trước khó khăn, tinh thần triển khai tự chủ đại học mang lại sự năng động, sáng tạo, quyết tâm. Hy vọng với tinh thần đang có, cùng với kết quả của những năm vừa qua, các trường đại học sẽ ứng phó được với những khó khăn, thử thách, giữ được đà phát triển của giáo dục đại học trong năm học mới”, Bộ trưởng chia sẻ.

Trung tâm Truyền thông giáo dục

comment Bình luận

largeer