Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

NASA tiết lộ mực nước biển dâng “cao hơn dự đoán” trong năm 2024

NASA vừa công bố mực nước biển toàn cầu trong năm 2024 tăng cao hơn dự báo, chủ yếu do hiện tượng giãn nở nhiệt từ nước biển ấm. Đây là lần đầu tiên trong ba thập kỷ, nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng không phải do băng tan mà là do nhiệt độ đại dương tăng đột biến - dấu hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự đoán.
06/05/2025 16:41

Khi hiện tượng ấm lên toàn cầu tiếp tục làm tan chảy các sông băng trên Trái Đất, mực nước biển cũng không ngừng dâng cao. Tuy nhiên, trong năm 2024, một cơ chế khác lại là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng thể tích nước này.

NASAGraphSeaLevelChange-768x311

Mực nước biển trung bình toàn cầu từ năm 1993 đến 2024, dựa trên dữ liệu từ năm vệ tinh quốc tế (Phòng Thị giác Khoa học của NASA)

“Mức tăng mà chúng tôi quan sát được trong năm 2024 cao hơn dự đoán”, nhà hải dương học Josh Willis của NASA cho biết. Mỗi năm đều có chút khác biệt, nhưng điều rõ ràng là đại dương vẫn tiếp tục dâng, và tốc độ dâng đang ngày càng nhanh hơn.

Dựa trên xu hướng trước đây, NASA từng dự đoán mức tăng mực nước biển trong năm 2024 sẽ là 0,43 cm (0,17 inch), nhưng con số thực tế đã lên tới 0,59 cm (0,23 inch).

Các số liệu này được thu thập từ năm vệ tinh quốc tế kể từ năm 1992. Vệ tinh mới nhất, Sentinel-6 Michael Freilich, có khả năng đo chiều cao bề mặt biển với độ chính xác đến vài cm trên 90% diện tích đại dương của Trái Đất. 

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ rằng, những vòng phản hồi (feedback loop) chưa được tính đến sẽ làm gia tăng tốc độ mực nước biển dâng nhanh hơn các dự báo, và giờ đây chúng ta có thể đang chứng kiến hậu quả của điều đó. Khi đại dương ấm lên, nước nở ra khiến mực nước biển dâng cao. Mực nước biển tăng lại làm thay đổi dòng chảy và kiểu gió, khiến nhiều nhiệt hơn thẩm thấu sâu vào đại dương, làm nước tiếp tục ấm lên. Đây là một quá trình lặp lại khiến tình trạng càng lúc càng nghiêm trọng.

Cho đến gần đây, hiện tượng tan chảy các sông băng của Trái Đất chiếm đến hai phần ba mức tăng mực nước biển hàng năm, nhưng điều này bất ngờ thay đổi vào năm ngoái.

Trong năm 2024, hai phần ba mức tăng mực nước biển là do hiện tượng giãn nở nhiệt của nước biển mặc dù tốc độ băng tan vẫn tiếp tục tăng. Nước ấm có mật độ thấp hơn, nên chiếm thể tích lớn hơn nước lạnh và sau khi Trái Đất trải qua mức nhiệt khí quyển cao kỷ lục, các đại dương của chúng ta đã trở nên ấm nhất trong suốt ba thập kỷ ghi nhận dữ liệu.

Không chỉ vậy, đại dương thường hình thành các lớp nhiệt rõ ràng với lớp nước ấm và nhẹ nhất ở trên cùng. Nhưng năng lượng nhiệt gia tăng trong khí quyển đang tạo ra nhiều cơn bão hơn và gió mạnh hơn, làm xáo trộn các lớp này, khiến nhiệt thâm nhập xuống các lớp sâu hơn nhanh chóng hơn, làm gia tăng nhiệt độ đại dương và từ đó làm dâng mực nước biển nhiều hơn.

Những thay đổi trong kiểu gió này đang khiến một số khu vực đại dương ấm lên gấp 2 - 3 lần mức trung bình toàn cầu. Các đợt nắng nóng biển này đang tàn sát hàng tỷ sinh vật biển và tàn phá các ngành thủy sản phụ thuộc vào chúng.

MarineHeatWaveEventsImpacts2023-2024

Tình trạng nắng nóng biển toàn cầu từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024 và những tác động của nó (Smith et al., Nature Climate Change, 2025)

Ngoài việc gây lũ lụt nghiêm trọng hơn, mực nước biển dâng còn khiến nước mặn xâm nhập vào các con sông lớn như sông Hằng. Cùng với việc suy giảm lượng nước tan từ băng theo mùa, nguồn nước ngọt của nhân loại đang suy giảm nhanh chóng. Nếu không có biện pháp can thiệp, điều này có thể buộc cả cộng đồng dân cư phải di cư để tìm kiếm nguồn tài nguyên thiết yếu này.

CO2ByFossilFuelEmittingSource-1536x1084 (2)

Lượng khí thải hiện tại đang tạo ra lượng nhiệt dư thừa dẫn đến mực nước biển dâng (Our World In Data/CC BY)

Cách duy nhất để giảm bớt những tác động này là cắt giảm khí thải nhà kính. Mỗi phần nhỏ của một độ mà chúng ta có thể giảm được trong mức ấm lên toàn cầu sẽ cứu được sinh mạng.

Theo Science Alert

comment Bình luận