Ngày Điều dưỡng Việt Nam 26/10

Cũng giống như trên thế giới, người phụ nữ Việt Nam vừa giữ vai trò chăm sóc gia đình, vừa truyền lại các kinh nghiệm dân gian về chăm sóc người bệnh. Do đó, lịch sử ngành điều dưỡng Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển đất nước.
26/10/2022 15:04

Quá trình hình thành Ngày Điều dưỡng Việt Nam

Người đặt nền móng cho ngành điều dưỡng y học cổ truyền Việt Nam là hai danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông. Cuối thế kỷ XVII, linh mục Vachet người Pháp và linh mục Coffler người Bồ Đào Nha đặt nền móng điều dưỡng phương Tây ở nước ta, xây dựng tu viện, chữa bệnh cho các tín đồ, người nghèo, trẻ mồ côi với tinh thần nhân đạo không đòi hỏi thù lao.

Những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Pháp cho xây dựng nhiều bệnh viện tại Việt Nam. Năm 1901, lớp điều dưỡng điều trị bệnh phong và bệnh tâm thần đầu tiên được mở tại bệnh viên Chợ quán. Sau đó, các lớp học điều dưỡng được mở ra tại các bệnh viện với chương trình đào tạo thiếu bài bản, sơ khai.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những năm 50, hàng loạt các chiến dịch chống thực dân Pháp được Đảng và nhân dân ta thực hiện, nhu cầu chăm sóc bệnh binh tăng mạnh. Do vậy mà các lớp đào tạo điều dưỡng viên, y tá liên tục mở ra. Trong hoàn cảnh thiếu thốn của cách mạng, các điều dưỡng viên, y tá đã chăm sóc, điều trị giúp các chiến sĩ lành thương, đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét.

Trong kháng chiến chống Mỹ, mỗi miền đều mở các trường đào tạo điều dưỡng để phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Từ sau năm 1975, Bộ trưởng Bộ Y tế thống nhất chỉ đạo công tác điều dưỡng tại 2 miền. Năm 1985, Bộ Y tế mở khóa đào tạo đại học điều dưỡng đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong đào tạo điều dưỡng nước ta, coi ngành điều dưỡng là một ngành độc lập, riêng biệt trong hệ thống y tế. Năm 1990, Bộ Y tế ra quyết định thành lập phòng điều dưỡng tại các bệnh viện có trên 150 giường bệnh. Sau đó không lâu, Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam ra đời.  

Năm 1992, Phòng Y tá được thành lập thuộc Vụ Điều trị Bộ Y tế với nhiệm vụ phát triển công tác điều dưỡng trên cả nước thời đó. Ngày 13 tháng 8 năm 1997, Nhà nước đồng ý đổi tên Hội Y tá - Điều dưỡng thành Hội Điều dưỡng. Cho đến nay, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã có 800 chi hội và hơn 80.000 hội viên.

Năm 1989, Hội Điều dưỡng Hà Nội và Quảng Ninh ra đời thúc đẩy sự ra đời của các tỉnh hội điều dưỡng khác, đặt ra yêu cầu về một hội điều dưỡng chung trên cả nước. Ngày 26/10/1990, Chính phủ thông qua quyết định số 375 thành lập Hội Y tá - Điều dưỡng Việt Nam. Từ đó, ngày 26/10/1990 được xem là Ngày điều dưỡng Việt Nam.

Ý nghĩa biểu tượng ngành Điều dưỡng Việt Nam

Biểu tượng ngành Điều dưỡng Việt Nam

Biểu tượng ngành Điều dưỡng Việt Nam

Biểu tượng ngành Điều dưỡng Việt Nam chính là hình ảnh bàn tay nâng đỡ chữa thập đỏ với cây đèn và với hai bông lúa bao bọc bên ngoài. Nền trắng nổi bật đã làm nổi được hình ảnh chữ thập đỏ - hình ảnh tượng trưng cho ngành Y tế nói chung. Bên cạnh đó, hình ảnh cây đèn ở giữa chữ thập đỏ là biểu tượng của ngành Điều dưỡng Thế giới. Điều này chứng tỏ rằng Điều dưỡng Việt Nam là một bộ phận nhỏ của hệ thống Y tế và còn gới nhắc đến những công lao của bà Florence Nightingale - "Mẹ đẻ" của ngành Điều dưỡng Thế giới.

Hình ảnh bàn tay nâng lấy chữ thập đỏ, cây đèn nhằm để hiện được bàn tay của những người làm trong ngành Điều dưỡng phải biết trân trọng công việc và đề cao được nhiệm vụ hiện tại của bản thân. Hai bông lúa trong biểu tượng cũng thể hiện được hình ảnh của đất nước Việt Nam. Biểu tượng này đã cho thấy được những ý nghĩa quan trọng của ngành Điều dưỡng đối với sự phát triển của đất nước.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer