Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Câu chuyện về nữ cựu thanh niên xung phong vừa mắc bệnh da cam/Dioxin vừa mắc ung thư máu

Cô Vũ Thị Hồng Thái (SN 1954) ở Kim Sơn, Ninh Bình sau khi trở về từ chiến trường, cô mang trong mình rất nhiều căn bệnh do ảnh hưởng của chất độc màu da cam/Dioxin.
20/10/2024 08:42

Cô Vũ Thị Hồng Thái nhập ngũ năm 1973, hồi đó cô đi tập huấn ở Ninh Bình 3 tháng. Sau đó đoàn nữ Trường Sơn tỉnh Ninh Bình vào chiến đấu tại chiến trường B. Khi hành quân, các nữ Trường Sơn không qua được cầu Hiền Lương nên đi vào bằng lối Khe Xanh sang hạ Lào. 

Công việc của các cô là nuôi quân, có những chị em làm đường. Quá trình làm đường gian khổ, trèo đèo, lội suối, gian truân, vất vả, sẻ núi, băng rừng. Khi cuốc đường cho xe thông thì đều có thể cuốc vào bom bi khiến nổ gây bị thương hoặc tử vong. 

Empty

Nữ cựu TNXP Trường Sơn

Trong một lần cuốc đường vào năm 1974, cô Hồng Thái đã cuốc phải bom bi phát nổ, khiến cô bị thương nặng. Khi được Đại đội đưa đi sơ cứu và cấp cứu thì lúc bấy giờ bất tỉnh, nhờ được sự cứu chữa kịp thời, cô Hồng Thái đã có thể hồi phục sức khỏe. Khi đã hồi phục sức khỏe, cô Hồng Thái lại chỉ muốn được quay trở lại chiến trường ngay để có thể tiếp tục mở đường cho xe chạy. Với sức khỏe đã giảm sút đi phần nào sau lần bị thương đó, dù được ưu tiên không phải quay lại để làm việc nhưng cô Hồng Thái với ý chí quyết tâm vẫn xin được tiếp tục làm việc, cống hiến sức mình cho nền độc lập nước nhà. 

Cô được chuyển về phòng Hậu cần sư đoàn 472, từ đó làm hậu cần. Đoàn nữ Trường Sơn vẫn tiếp tục công việc mở đường. Với tinh thần hăng hái, đoàn kết những nữ Trường Sơn anh dũng ngày ngày cuốc đất mở đường để cho xe chạy phục vụ chiến trường.

Ngày 30/4/1975, cô Thái và các đồng đội vẫn đang ở Quảng Trị. Khi đó, các sư đoàn, binh đoàn hành quân trở về Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng. Đến tháng 7/1976, các chị em có trình độ văn hóa lớp 7 - 10, nhà nước cho đi học thương nghiệp, học lớp đào tạo tại Công ty Thương nghiệp tươi sống của Hà Nam Ninh. Ưu tiên cho các thương binh, bệnh binh, tự nguyện làm đơn xin về các đơn vị để làm việc, cô Thái xin được trở về quê hương Kim Sơn, Ninh Bình để công tác. Cô Thái làm việc đến hết năm bao cấp. Với những người có trình độ, công tác tốt, sức khỏe có vẫn tiếp tục chuyển sang các công việc khác. "Khi đó sức khỏe của tôi cũng không còn nữa nên xin về để tự làm và nộp bảo hiểm. Nộp bảo hiểm tự nguyện đến năm 1993, nhà nước cho tôi về mất sức. Tôi làm việc được 23 năm 9 tháng, không được tính về hưu mà về mất sức vĩnh viễn", cô Hồng Thái chia sẻ. 

Với những vết thương do bom bi để lại, cô Thái bị chấn thương phần mềm ở cổ, gáy, bụng. Trên cơ thể là những vết sẹo do lần chấn thương đó để lại. Không chỉ vậy, cô còn nhiễm chất độc màu da cam/Dioxin. Cô được nhà nước công nhận những đóng góp của các cô cùng với đó là giấy chứng nhận nhiễm chất độc màu da cam/Dioxin và được hưởng lương. 

Cuộc sống khá khó khăn với những người từ chiến trường trở về, lại mang trong mình những căn bệnh do chất độc nhiễm vào máu, vào cơ thể khiến các cô mắc những căn bệnh liên quan như huyết áp cao, đột quỵ, tiểu đường.

Cô chia sẻ đã 1 lần đột quỵ khi 56 tuổi, chỉ trong 1 tích tắc ngất xỉu và không còn biết gì. Cô bất tỉnh và phải tiêm 1 mũi trợ tim để hồi lại. Cô phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình 21 ngày. Đến năm 2020, cô lại bị đột quỵ lần 2, đau xương, tiểu đường, huyết áp tăng cao. 

Di chứng của chiến tranh để lại cho cô là những trận ốm, sốt rét Trường Sơn. Chất độc ngấm vào cơ thể khiến toàn thân của cô toàn u bướu. Năm 2020, cô phát hiện ung thư máu. Hiện nay, cô vẫn đang sống với những căn bệnh do di chứng của chiến tranh để lại. Cuộc sống của cô khá khó khăn với những chi phí trang trải cho căn bệnh ung thư máu 150.000 đồng/viên thuốc/ngày. Căn bệnh ung thư máu khiến cô bị ách tắc mạch máu vùng toàn thân, máu không lưu thông được, phải uống thuốc chống đông. Nằm điều trị tại Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương 8 tháng. Bị ách tắc mạch máu, người - chân tay sưng, người cô bình thường chỉ 60 kg nhưng khi bị ách tắc mạch máu tích nước, người phù lên đến 65 kg. Tiền trợ cấp không đủ để trang trải tiền thuốc. Cuộc sống khó khăn, chi tiêu cũng khó khăn. Cô đã từng mổ thay 3 đốt sống lưng nhân tạo, mặc dù vậy cô thấy cuộc đời vẫn còn may mắn. 

Empty

Cô Thái mang trong mình chất độc màu da cam/Dioxin và ung thư máu

Cô lấy chồng năm 1979, chồng cũng là bộ đội tăng thiết giáp chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1982, chồng cô ra quân, nhà nước cho về chế độ 1 lần, phục viên. Có 4 con, trong đó có 3 người con gái và 1 người con trai, 9 người cháu.

Hàng ngày cô ăn kiêng, ăn gạo lứt, mỗi bữa ăn nửa bát cơm, ăn những món hợp khẩu vị. "Khi được đến Làng Hữu nghị Trẻ em Việt Nam, gặp gỡ, giao lưu và được điều trị tại đây, tôi thấy rất vui, vơi đi phần nào nỗi buồn tuổi già và những căn bệnh đang mang trong người. Cuộc sống thêm thi vi, đầy màu sắc hơn. Chị em đồng đội rất yêu thương quý mến nhau, chia sẻ, giúp đỡ nhau, quan tâm, hỏi han, chăm sóc nhau", cô Thái chia sẻ. 

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng chất độc da cam - một trong những hệ lụy mà nó gây ra vẫn kéo dài cho đến hôm nay. Không chỉ tàn phá sức khỏe, tinh thần của những người bị ảnh hưởng trực tiếp, chất độc da cam còn đang phá hủy tương lai của một bộ phận những người trẻ - thế hệ con cháu của nạn nhân. 

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer