Ngày Thế giới phòng chống bệnh Lao 24/3: Những điều cần biết về phòng chống bệnh Lao

Hàng năm, thế giới lấy ngày 24/3 để kỷ niệm Ngày Phòng chống bệnh Lao, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh Lao đến sức khỏe con người, kinh tế và xã hội. Ngày này được đánh dấu vào năm 1882 khi Robert Koch (nhà bác học người Đức) tuyên bố rằng ông đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh lao, mở đường cho việc chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này.
22/03/2022 11:12

Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống Lao năm 2022 trên toàn cầu là "Invest to end TB. Save lives". Chủ đề nhấn mạnh về việc đưa ra nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần đầu tư, kêu gọi, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh Lao, đạt được cam kết chấm dứt bệnh Lao do các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng chết vì bệnh Lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng chậm lại 5-8 năm. Nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ y tế phòng ngừa, chăm sóc bệnh Lao phù hợp, đạt được mục tiêu của Tổ chức y tế thế giới đưa ra: Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Hiện nay, trên phạm vi toàn cầu, Lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh Lao và gần 28.000 người mắc căn bệnh này. Chấm dứt bệnh Lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người bệnh trong một năm và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc Lao.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh Lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh Lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh Lao (báo cáo WHO 2020). Trong đó 63% bệnh nhân Lao thường, 98% bệnh nhân Lao kháng thuốc và gia đình người bệnh phải đối diện với những chi phí thảm họa, nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh Lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của hộ gia đình. 70% người mắc Lao ở tuổi lao động. Vì vậy, Lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và cả đất nước nói chung. Chấm dứt bệnh Lao ở Việt Nam là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người trong một năm và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc Lao.

Trên cơ sở chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống Lao thế giới, áp dụng tình hình thực tế tại Việt Nam, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống Lao năm nay là "Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh Lao". Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tiến trình chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030, chủ đề nhấn mạnh năm 2022 chúng ta phải giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn trong tình hình mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho hoạt động phòng, chống Lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh Lao là một bước đi vững chắc có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

COVID-19 và Lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh Lao vẫn được quan tâm đúng mức. Bệnh Lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc Lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài, âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát hiện đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn làm giảm nhanh nguồn lây cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh Lao.

Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc Lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là còn tới 40% số người mắc Lao trong cộng đồng.

Tại Lào Cai, hàng năm, phát hiện và đưa vào điều trị khoảng 300 - 400 bệnh nhân Lao. Như vậy, còn tới 100 - 200 người mắc Lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đây là nguồn lây rất lớn vẫn còn đang tiềm ẩn trong xã hội.

Chương trình chống Lao quốc gia đã triển khai chiến dịch 2X trong năm 2022 (Xquang và Xpert), nhằm phát hiện sớm các ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây của bệnh Lao. Không chỉ có giá trị trong phát hiện các ca mắc Lao, máy Gene Xpert còn có tác dụng hiệu quả trong xét nghiệm SARS-CoV-2. Gene Xpert bản chất là xét nghiệm Real-Time PCR, có nhiều ưu điểm như là hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động từ khâu tách chiết, trộn đến phân tích, thời gian rút ngắn chỉ còn trong vòng 45 phút và không hề có sự can thiệp của con người. Với phương pháp này, con người chỉ can thiệp vào khâu lấy mẫu và vận chuyển. Đây là một phương pháp mới, nhanh chóng, hiệu quả, phát hiện sớm cả người mắc COVID-19 và người bệnh Lao.

Người mắc bệnh Lao cần được phát hiện, chẩn đoán, và điều trị sớm theo đúng y lệnh của thầy thuốc. Không tự ý bỏ điều trị. Vì như vậy sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc, bệnh sẽ không chữa khỏi dẫn tới tử vong.

Những người khi có các triệu chứng sau:

- Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu).

- Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.

- Sốt nhẹ về chiều.

- Ra mồ hôi “trộm” ban đêm, (đặc biệt là trẻ em).

- Đau ngực, đôi khi khó thở.

Đây là các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Lao. Hãy chủ động đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, phát hiện và điều trị sớm.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer