Nghệ An lấy dị vật ở đường tiêu hóa thành công cho bệnh nhi 12 tuổi

Vừa qua, Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vừa tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi, mắc dị vật là bã thức ăn trong dạ dày.
27/12/2022 16:12

Bệnh nhân bị dị vật mắc ở môn vị, làm cản trở sự lưu thông thức ăn từ dạ dày xuống ruột, nhập viện với bệnh cảnh của hẹp môn vị. Sau khi nội soi và xác định vị trí dị vật bị mắc kẹt, các bác sỹ, kỹ thuật viên khoa Thăm dò chức năng đã tiến hành nội soi cắt nhỏ và gắp thành công khối bả thức ăn. Sau đó bệnh nhân hoàn toàn ổn định.

di-vat-tieu-hoa-nghe-an-1672068586498421222185-crop-16720685954281480353440

Nội soi gắp bã thức ăn trong dạ dày bệnh nhi (Ảnh: BVCC)

Cục bã thức ăn hình thành do sự tích tụ các chất được ăn uống vào dưới dạng các khối hoặc khối đông kết không tiêu hóa được, vị trí hay gặp nhất là ở dạ dày. Phần lớn các trường hợp cục bã thức ăn có nguồn gốc thực vật (phytobezoar). Cục bã thức ăn trong dạ dày không phải bệnh hiếm gặp, nếu không được điều trị có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như tắc nghẽn môn vị, di chuyển xuống gây tắc ruột, sang chấn cơ học gây loét dạ dày, chảy máu, thủng; buồn nôn, nôn, đau bụng, ăn mau no, sút cân. Một số cục bã dị vật có thể được hòa tan bằng hóa học, một số khác cần phải loại bỏ qua nội soi và một số thậm chí cần phẫu thuật.

Dị vật rơi vào đường tiêu hóa là những vật do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống hay trong sinh hoạt. Phần lớn các dị vật này có thể tự đào thải ra ngoài theo phân nhờ nhu động của ống tiêu hóa. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10 - 20% các dị vật cần phải điều trị do có kích thước lớn, có hình thù sắc nhọn như tăm, kim khâu, xương cá... Nếu các dị vật này không được xử lý kịp thời sẽ gây tổn thương trong đương tiêu hóa, dẫn đến biến chứng như: chảy máu, áp xe, tắc ruột, thủng ruột, thậm chí có thể tử vong.

Những thông tin dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc hiểu rõ về mối nguy hại của tình trạng này.

Đối tượng dễ bị mắc dị vật trong đường tiêu hóa trên

- Nguy cơ mắc dị vật có thể gặp bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới. Tuy nhiên, những đối tượng thường gặp là:

- Trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi

- Người có răng kém, hoặc có răng giả

- Người cao tuổi

- Người mắc bệnh tâm thần

- Người nghiện rượu

- Người có thói quen ăn uống không cẩn thận: ăn nhanh, nuốt vội, ngậm tăm…

- Ăn các loại quả chưa chín kỹ có vị chát (hồng ngâm, sung, ổi…) và thức ăn có nhiều chất xơ bã

- Có tiền sử phẫu thuật dạ dày - tá tràng: cắt dạ dày - tá tràng, nối vị tràng…

Nhiều bệnh nhân không hề biết mình nuốt dị vật. Thông thường, nạn nhân thường bị dị vật đường tiêu hóa trong dịp lễ Tết, hội hè, đình đám. Trong những buổi tiệc tùng, một số người sẽ không nhai kỹ, nuốt vội khối thức ăn có lẫn dị vật, xương. Không hiếm trường hợp trong số này không biết rằng mình đã nuốt phải dị vật. Trẻ em hiếu động hay ngậm nuốt đồ chơi, vật dụng, hạt quả cũng là đối tượng có nguy cơ cao.

Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh nuốt phải dị vật là viêm thuốc còn nguyên vỏ nhôm có cạnh sắc nhọn do người bệnh uống thuốc ban đêm không bật đèn nên không để ý thuốc còn nguyên vỏ.

Tùy theo vị trí của dị vật trong đường tiêu hóa mà bệnh nhân khi nuốt dị vật có những triệu chứng tương ứng:

- Dị vật thực quản thường có các triệu chứng: Ngay sau khi hóc phải dị vật, người bệnh có cảm giác nuốt vướng, nuốt đau, không ăn uống được và thường nôn sau khi tiếp tục ăn uống. Đây cũng là triệu chứng khiến nhiều người nuốt dị vật phải đi thăm khám. Một số trường hợp người nuốt phải dị vật cảm thấy tức ngực khó thở, đau kèm theo nóng rát vùng sau xương ức. Giai đoạn muộn thì dị vật gây xước rách, nhiễm trùng tại vị trí mắc phải, người bệnh có sốt, đau nhiều vùng họng, ứ đọng đờm rãi và thức ăn.

- Dị vật dạ dày như khối thức ăn gây tắc môn vị và hành tá tràng, người bệnh vẫn ăn uống được, chỉ có cảm giác buồn nôn, ăn không tiêu và thường nôn ra dịch thức ăn chưa tiêu lẫn thức ăn cũ.

- Dị vật ruột non hay đại trực tràng thì triệu chứng mơ hồ trong 1 vài ngày đầu có thể bệnh nhân đau bụng âm ỉ, dễ nhầm nhẫn các bệnh lý khác, giai đoạn muộn thành khối áp xe thì bệnh nhân nhiễm trùng nặng hơn, sốt, có hội chứng viêm phúc mạc.

Chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa bằng cách nào?

- Khi nghi ngờ người bệnh có dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử ăn uống và triệu chứng xâm nhập khi hóc, nuốt dị vật.

- Chụp X quang có thể thấy hình ảnh dị vật ở những dị vật cản quang hoặc hình ảnh gián tiếp là viêm phổi, tràn dịch màng phổi trong dị vật thực quản đã có biến chứng, có hơi trong ổ bụng trong dị vật ruột non hoặc đại trực tràng có biến chứng thủng.

- Siêu âm có thể thấy khối áp xe hoặc chụp CT Scan có thể thấy được hình ảnh dị vật.

- Nội soi dạ dày tá tràng là phương pháp sử dụng để chẩn đoán xác định và điều trị can thiệp qua nội soi (gắp dị vật thực quản hoặc dạ dày).

- Xét nghiệm máu thấy có hội chứng nhiễm trùng, bạch cầu máu tăng.

Phương pháp điều trị dị vật đường tiêu hóa hiện nay

- Đối với dị vật đường tiêu hóa ở thực quản, dạ dày thì điều trị bằng phương pháp gắp dị vật qua nội soi là phương pháp an toàn và triệt để nhất: Người bệnh sẽ được khám lâm sàng, chụp X-quang xác định, làm các xét nghiệm tiền mê. Tiến hành gắp dị vật qua nội soi gây mê đường tiêu hóa đảm bảo an toàn, không đau và tránh co thắt thực quản, kích thích, nôn khi soi.

- Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn, khi dị vật đã gây biến chứng viêm, áp xe trung thất thì việc điều trị hết sức khó khăn, đòi hỏi bác sĩ điều trị phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm điều trị và tay nghề cao. Các trường hợp này cần được điều trị tại các trung tâm lớn nhiều kinh nghiệm vì quá trình phẫu thuật phức tạp, cần nhiều kinh nghiệm lúc phẫu thuật cũng như hồi sức.

- Đối với dị vật ruột non hoặc đại trực tràng thì phải phẫu thuật. Tùy theo giai đoạn sớm hay muộn, tùy theo kinh nghiệm phẫu thuật viên cũng như tùy theo điều kiện của cơ sở y tế mà bệnh nhân được phẫu thuật nội soi hay mổ mở, có cắt ruột hay không cũng như bệnh nhân có mang hậu môn nhân tạo hay không.

Phòng ngừa dị vật đường tiêu hóa

- Trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa cười đùa, mất tập trung.

- Tránh thức ăn dai, gân, da, thức ăn có lẫn xương.

- Cần cắt nhỏ nấu kỹ thức ăn cho người cao tuổi, trẻ nhỏ.

- Lưu ý các loại thịt, cá có lẫn xương mà chưa được lọc kỹ.

- Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong.

- Bóc bỏ vỏ thuốc khỏi vỉ trước khi dung.

- Khi có tiệc rượu hết sức cẩn thận trong quá trình ăn uống.

- Không ăn các loại quả chưa chín kỹ có vị chát (hồng ngâm, sung, ổi) và thức ăn có nhiều chất xơ bã, nếu ăn thì tốt nhất ăn lúc đói với số lượng nhỏ.

- Khi nghi ngờ đã nuốt dị vật hoặc cảm thấy các triệu chứng khó chịu đã được mô tả ở trên, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở Y tế có chuyên khoa Tiêu hóa để được điều trị can thiệp ngay. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật “trôi” xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến bệnh thêm phức tạp.

Theo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

comment Bình luận

largeer