Nghe tiếng ve kêu trong tai là triệu chứng của bệnh gì?

Ù tai, nghe tiếng ve kêu trong tai là tình trạng ngày càng phổ biến trong đời sống hiện đại. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý hoặc rối loạn tâm thần khác nhau. Bản chất của tiếng ve kêu trong tai là ù tai. Nếu tình trạng này không được phát hiện và điều trị sớm có thể khiến người bệnh khó chịu, cáu gắt,…
04/01/2023 15:17

Nghe tiếng ve kêu trong tai có nguy hiểm không?

Nghe tiếng ve kêu trong tai không gây nguy hiểm thực sự tới tính mạng nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, cuộc sống của người bệnh như:

- Căng thẳng, khó chịu trong thời gian dài, khiến người bệnh gặp khó khăn khi giao tiếp, công việc, gây bất hòa trong các mối quan hệ.

- Tự cô lập bản thân do tiếng ve kêu gây khó khăn trong giao tiếp, tâm lý tự ti. Lâu dần người bệnh có thể rơi vào trạng thái trầm cảm.

- Mất ngủ: Buổi đêm do không gian yên tĩnh nên người bệnh thường nhận thấy tiếng ve kêu to, rõ ràng hơn. Điều này khiến người bệnh mất ngủ, ngủ không ngon giấc dẫn đến mệt mỏi và các vấn đề sức khỏe.

Suy giảm thính lực: Có tiếng ve kêu trong tai khiến người bệnh nghe khó hơn, khó hiểu hơn ngay cả khi nói chuyện bình thường. Tình trạng này kéo dài có thể gây điếc tạm thời hoặc điếc vĩnh viễn.

Nghe tiếng ve kêu trong tai là triệu chứng của bệnh gì? Ảnh minh họa

Nghe tiếng ve kêu trong tai là triệu chứng của bệnh gì? Ảnh minh họa

Nghe tiếng ve kêu trong tai là dấu hiệu của bệnh gì?

Nguyên nhân phổ biến làm xuất hiện tiếng ve kêu trong tai là do tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh như:

- Viêm tai giữa: Đây là tình trạng nhiễm trùng tai. Vi khuẩn sản sinh, phát triển tạo dịch lấp đầy ốc tai và các khoang trong tai gây ra ù tai, xuất hiện tiếng kêu lạ trong tai. Khi bệnh được điều trị, các tiếng ve cũng sẽ biến mất.

- Tổn thương dây thần kinh thính giác: Dây thần kinh thính giác là dây thần kinh chi phối chức năng nghe của cơ thể. Những tổn thương ở dây thần kinh thính giác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nghe, gây đau nhức tai hoặc đau đầu.

- Khối u: Khối u ở dây thần kinh thính giác hoặc khu vực đầu cổ gây chèn ép lên các mạch máu, cấu trúc tai khiến âm thanh bị nhiễu loạn, mất cân bằng thính giác.

- Các bệnh lý mạch máu: Các mạch máu trong tai bất thường có thể khiến bạn nghe thấy tiếng đạp, tiếng ve kêu trong tai.

- Bệnh Meniere: Đây là bệnh rối loạn tai trong gây ra chóng mặt, ù tai, ve kêu trong tai.

- Các chấn thương vùng đầu hoặc cổ: Chấn thương có thể gây tổn thương cấu trúc tai, dây thần kinh thính giác giây ù tai, nghe thấy tiếng ve kêu trong tai hoặc trong đầu.

- Bệnh tâm thần phân liệt: Người bệnh tâm thần phân liệt, stress, trầm cảm nặng thường xuyên nghe thấy những âm thanh lạ trong đầu, kể cả tiếng ve kêu. Đây gọi là hiện tượng ảo thanh.

Cách chữa khi gặp tình trạng nghe tiếng ve kêu trong tai an toàn, hiệu quả

Việc điều trị tình trạng ve kêu trong tai phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Mỗi nguyên nhân khác nhau sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.

Điều trị bằng thuốc

Các thuốc điều trị tình trạng ve kêu trong tai tương tự như điều trị ù tai. Các thuốc thường dùng bao gồm: Thuốc tăng tuần hoàn ốc tai và hệ thần kinh; Thuốc kháng histamin và giảm phù nề; Thuốc an thần; Corticoid; Thuốc điều trị các bệnh lý liên quan.

Cách chữa khi gặp tình trạng nghe tiếng ve kêu trong tai an toàn, hiệu quả. Ảnh minh họa

Cách chữa khi gặp tình trạng nghe tiếng ve kêu trong tai an toàn, hiệu quả. Ảnh minh họa

Phẫu thuật

Được chỉ định khi người bệnh ù tai, có tiếng kêu lạ trong tai có nguồn gốc cơ học và có chèn ép.

- Phẫu thuật giảm áp tai túi nội dịch.

- Phẫu thuật khoét mê nhĩ.

- Phẫu thuật cắt dây tiền đình.

- Phong bế tạm thời hoặc vĩnh viễn dây thần kinh giao cảm hòm tai.

- Phẫu thuật cắt bỏ thần kinh giao cảm.

Các phương pháp khác

- Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Đa dạng và đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung thêm khoáng chất và omega 3 trong chế độ ăn.

- Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn lớn: Tiếng ồn có tác động tiêu cực tới thính giác, tăng mức độ nhạy cảm của ốc tai, màng nhĩ. Bảo vệ tai bằng nút tai khi phải tiếp xúc với tiếng ồn.

- Rèn luyện thể dục, thể thao: Luyện tập giúp khí huyết lưu thông, cải thiện hệ thống miễn dịch bằng các bài tập yoga, đi bộ, bơi lội, đạp xe,… Luyện tập thường xuyên cũng giúp người bệnh có tinh thần thoải mái hơn, hạn chế căng thẳng, stress.

- Không sử dụng rượu, bia hay các chất kích thích.

Những cách chữa sai khiến triệu chứng có tiếng ve kêu trong tai ngày càng nặng

Khi tai xuất hiện các âm thanh lạ, người bệnh thường có xu hướng tìm kiếm phương pháp giải quyết nhanh và đơn giản. Tuy nhiên, không phải cách chữa nào cũng mang lại hiệu quả, thậm chí còn có thể khiến bệnh trở nặng hơn. Dưới đây là một số sai lầm thường gặp:

- Nhỏ nước muối vào tai: Nhiều người thường có thói quen nhỏ nước muối vào tai để vệ sinh hoặc khi thấy ù tai, lạo xạo trong tai. Nước muối khi nhỏ vào tai có thể đọng lại ở trên bề mặt màng nhĩ hoặc ở lớp long ngay cửa tai khiến tai trong tình trạng ẩm ướt, vi khuẩn dễ phát triển.

- Nhỏ oxy già vào tai: Oxy già vào tai làm bong lớp biểu bì trên ống tai, làm chậm quá trình liền vết thương của da.

- Thổi, đổ thuốc bột vào tai: Tự ý mua các loại thuốc trên thị trường khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ để thổi vào tai có thể cản trở lưu thông dịch trong tai. Điều này khiến tình trạng ù tai càng trở nên nặng nề hơn.

- Chọc ngoáy tai: Khi tai xuất hiện các tiếng ù, tiếng ve kêu nhiều người thường dùng tăm bông hoặc các vật nhọn để chọc ngoáy tai nhằm giảm cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, chọc ngoáy tai có thể gây rách, trầy xước da khiến da bị mất đi lớp màng bảo vệ bên ngoài gây ra viêm, thủng màng.

- Sử dụng các bài thuốc dân gian: Những bài thuốc dân gian được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội hay truyền miệng như chữa ù tai bằng mật cá, sáp ong,… mà chưa được kiểm chứng có thể gây ứ dịch trong tai gây viêm nhiễm, ù tai nặng hơn.

Bài viết trên đây là một số thông tin về tình trạng ve kêu trong tai mà nhiều người mắc phải. Đây là hiện tượng tương đối phổ biến và ít nguy hiểm nhưng người bệnh cần lưu ý trước nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Để hạn chế những tổn thương không mong muốn, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm.

Theo Thaythuocvietnam

comment Bình luận

largeer