Nguy cơ nhiễm sán lá gan và các bệnh khác do ăn gỏi

Tại Việt Nam, tỷ lệ người nhiễm sán lá gan đang tăng trong những năm qua, mà nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn các món gỏi, thức ăn chưa được nấu chín.
29/06/2021 11:03

Các món gỏi được làm hầu hết từ nguyên liệu tươi sống. Vì thế, cần phải lưu ý lựa chọn nguyên liệu chế biến các món gỏi để tránh các nguy cơ mắc sán lá gan, ngộ độc thực phẩm.

Hương vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt chính là lý do khiến các món gỏi phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày. Trong thời tiết mùa hè oi bức, các món gỏi càng trở nên hấp dẫn và được ưa chuộng.

c1

Cảnh giác với các món gỏi mùa hè (ảnh: Internet)

Tác dụng của các món gỏi

Các món gỏi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, phòng chống bệnh thấp khớp. Ngoài ra, gỏi là một trong những món ăn tốt cho những người muốn giảm cân.Đặc biệt, gỏi cá chứa các axit béo thiết yếu, omega-3, giúp tăng cường vận chuyển máu tới tim.

Nguy cơ nhiễm sán lá gan và các bệnh khác do ăn gỏi

Mặc dù mang lại những lợi ích như trên, nhưng các món gỏi cũng tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường với sức khỏe của con người.Theo thống kê, 3/4 dân số Việt Nam mắc các bệnh về giun sán. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do thói quen ăn các đồ tái, sống. Ăn các món gỏi có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh sau:

Bị nhiễm ký sinh trùng

c2

Ăn nhiều thực phẩm sống có thể nhiễm kí sinh trùng (ảnh: Internet)

Có khoảng 50 loại giun, sán ký sinh chủ yếu được tìm thấy ở các loại hải sản, phổ biến là những loại cá nước ngọt. Kết quả nghiên cứu về tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở 5 loài cá nước ngọt (rô phi, trắm, mè, chép và trôi) cho thấy, tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá gan ở người tại thành phố Nam Định là 10%, Hòa Bình 3,2%, Hà Nội 2%.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong gỏi cá có tới 95% ấu trùng sán lá gan còn sống xuất hiện trong thịt sống, cá sống, rau sống của các món gỏi. Thậm chí, khi đã ngâm nước muối đến 4 giờ, tỉ lệ ấu trùng sán còn sống là 93%. Bênh cạnh đó, phân tích 600 mẫu cá nước ngọt tại một số chợ ở Hà Nội cho thấy, có tới 7/10 loài nhiễm ấu trùng gây bệnh cho người tiêu dùng. Không chỉ có vậy, ăn các món gỏi còn có thể bị nhiễm sán dây.

Hiện nay việc điều trị bệnh sán lá gan không quá khó khăn nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, trong quá  trình chữa sán lá gan, để hiệu quả và an toàn bạn cần phải đi khám chuyên khoa và thực hiện theo đúng theo chỉ định của các bác sỹ điều trị.

Nhiễm giun

Chúng ta còn có thể nhiễm giun khi ăn thịt sống, cá sống, rau sống trong các món gỏi. Giun xoắn, giun đầu gai khi nhiễm vào sẽ làm xuất hiện các khối u trên cơ thể, chữa trị rất khó khăn. Chúng có thể gây liệt và teo cơ, suy hô hấp. Nếu chúng chui vào mắt, gan, phổi còn gây sưng mắt, viêm phổi…

Nguy cơ mắc ung thư gan

Ở giai đoạn đầu, hầu hết bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Một số ít chỉ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, rất khó phát hiện. Sán lá gan nhỏ thường ký sinh trong đường mật, khiến đường mật dày lên, dẫn đến bị xơ hóa. Thậm chí kích thước gan có thể to gấp 2 – 3 lần bình thường. Nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến ung thư đường mật và ung thư gan. 

Ngộ độc hóa chất 

c3

Ăn các món gỏi thường xuyên có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm (ảnh: Internet)

Để thịt tươi lâu, nhiều người bán sử dụng hàn the, muối diêm để bảo quản. Do vậy, người dùng còn có thể bị ngộ độc hóa chất… Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong rau quả cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm. Những chất độc này còn có thể gây các bệnh về gan, thận, ung thư. 

Để đảm bảo sức khỏe, chúng ta không nên ăn quá nhiều thực phẩm sống. Phải lựa chọn, sơ chế thực phẩm kĩ lưỡng, cẩn thận để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi xuất hiện bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, cần phải tới ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Viễn Trinh (Thầy thuốc Việt Nam) 

comment Bình luận

largeer