Nguy cơ tiềm ẩn của đồ nhựa dùng một lần

Nhựa dùng một lần phổ biến nhờ tính tiện lợi và giá rẻ, nhưng đằng sau đó là những nguy cơ âm thầm đe dọa sức khỏe con người và môi trường.
26/06/2025 09:56

Chất độc từ nhựa

Nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần được sản xuất từ các vật liệu kém an toàn như polystyrene, loại nhựa có thể giải phóng chất styrene khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Styrene đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm các chất có nguy cơ gây ung thư. Bên cạnh đó, các hợp chất hóa học như BPA (Bisphenol A) và phthalates, thường có mặt trong đồ nhựa, có thể thấm vào thực phẩm, đồ uống và gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sự phát triển của trẻ nhỏ.

chai-nhua 02

 Nhựa dùng một lần được sản xuất từ các vật liệu kém an toàn (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của WHO, việc tiếp xúc lặp lại với các hóa chất này, kể cả ở liều lượng thấp, vẫn có thể dẫn đến tích tụ trong cơ thể và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng về lâu dài như ung thư vú, tiểu đường và rối loạn chức năng sinh lý.

Vi nhựa – mối đe dọa vô hình trong đời sống hàng ngày

Khi nhựa không được xử lý đúng cách, chúng phân rã thành những hạt cực nhỏ gọi là vi nhựa. Các nghiên cứu quốc tế đã phát hiện vi nhựa xuất hiện ở khắp nơi: từ nước uống đóng chai, muối biển, hải sản, mật ong đến cả không khí mà chúng ta hít thở mỗi ngày.

chai-nhua01

Trung bình người trưởng thành nuốt 5 gram vi nhựa mỗi tuần (Ảnh minh họa)

Một nghiên cứu tại châu Âu cho thấy, trung bình một người trưởng thành có thể nuốt vào khoảng 5 gram vi nhựa mỗi tuần, tương đương trọng lượng của một chiếc thẻ tín dụng. Những hạt vi nhựa này có khả năng xuyên qua thành ruột, xâm nhập vào máu, gan, thận và thậm chí cả não. Về lâu dài, chúng có thể gây viêm, tổn thương mô và làm suy yếu hệ miễn dịch, đặt ra mối lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng.

Trẻ em và phụ nữ mang thai là hai nhóm có nguy cơ cao nhất khi tiếp xúc với hóa chất từ nhựa. Với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ dễ bị ảnh hưởng đến não bộ, hormone và khả năng phát triển thể chất. Trong khi đó, với phụ nữ mang thai, BPA là một hóa chất thường dùng để sản xuất các loại nhựa có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Hệ lụy môi trường và trách nhiệm cộng đồng

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhựa dùng một lần còn gây áp lực nặng nề lên môi trường. Phần lớn loại nhựa này không được tái chế mà bị thải bỏ ra bãi rác, sông suối hoặc trôi dạt ra đại dương.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia thải nhiều rác nhựa ra biển nhất thế giới. Đáng lo ngại, khoảng 80% rác nhựa đại dương xuất phát từ đất liền, chủ yếu do các sản phẩm nhựa dùng một lần không được thu gom và xử lý đúng cách. Đây là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm chung của cộng đồng trong việc giảm thiểu và quản lý chất thải nhựa.

Giải pháp giảm thiểu sử dụng nhựa

Một trong những cách hiệu quả để hạn chế đồ nhựa là thay thế bằng các vật dụng thân thiện với sức khỏe và môi trường. Chẳng hạn, dùng bình nước cá nhân, hộp đựng thực phẩm bằng thủy tinh, inox, sứ hoặc tre thay vì nhựa. Đồng thời, nên ưu tiên các sản phẩm có bao bì tái sử dụng hoặc dễ phân hủy sinh học.

Việc chuyển sang các lựa chọn bền vững không chỉ giúp giảm tiếp xúc với các hóa chất độc hại từ nhựa mà còn góp phần cắt giảm lượng rác thải khó phân hủy, bảo vệ môi trường sống về lâu dài.

Khả Bích (tổng hợp)

comment Bình luận