Nhận diện cơn sốt và cách giảm sốt nhanh, hiệu quả 

Sốt là phản ứng thường gặp khi cơ thể chống lại vi khuẩn, virus, nhưng không phải ai cũng biết mức nhiệt độ nào được xem là sốt và khi nào cần xử lý kịp thời. Nhận diện đúng mức độ sốt có thể áp dụng nhanh một số cách hạ sốt an toàn tại nhà. 
03/07/2025 19:51

Bao nhiêu độ được xem là sốt?

Sốt là tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể do trung tâm điều nhiệt ở vùng não bị kích thích, thường là khi có tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus xâm nhập. Theo các chuyên gia, mức nhiệt bình thường của cơ thể dao động từ 36,1 - 37,2°C, tùy thời điểm trong ngày và vị trí đo.

Một người được xem là sốt nhẹ khi nhiệt độ cơ thể từ 37,5 - 38°C, sốt vừa khi từ 38 -  39°C và sốt cao khi trên 39°C. Riêng với trẻ nhỏ và người cao tuổi, ngưỡng sốt có thể thay đổi nhẹ và cần được theo dõi sát hơn vì dễ chuyển biến nguy hiểm.

Nhiệt độ cơ thể có thể được đo bằng nhiều cách như:

  • Đo ở miệng (nhiệt độ trung tâm): chính xác cao, phổ biến ở người lớn.
  • Đo ở hậu môn: thường áp dụng cho trẻ nhỏ, cho kết quả gần với nhiệt độ thực của cơ thể.
  • Đo ở nách hoặc trán: thuận tiện, nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường, độ chính xác thấp hơn.
Empty

Từ 37,5°C được xem là sốt nhẹ (Ảnh: Minh họa)

Việc xác định đúng mức độ sốt giúp đưa ra hướng xử lý phù hợp cho người bệnh, tránh chủ quan hoặc lạm dụng thuốc hạ sốt.

Khi nào cần dùng thuốc hạ sốt?

Không phải lúc nào bị sốt cũng cần dùng thuốc hạ sốt ngay. Thực tế, sốt là cơ chế tự vệ có lợi, giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ vượt 38,5°C hoặc gây khó chịu, mất nước, co giật, cần được can thiệp kịp thời.

Một số dấu hiệu đi kèm cơn sốt cần theo dõi kỹ: đau đầu dữ dội, nôn nhiều, phát ban, thở gấp, mê sảng… cần khám ngay tại cơ sở y tế.

Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi khi sốt trên 38°C, hoặc trẻ từ 3 - 12 tháng sốt trên 39°C, cần đưa đi khám ngay. Không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi chưa có chỉ định.

Empty

Sốt thật ra là cơ chế tự vệ có lợi của cơ thể (Ảnh: Minh họa)

Cách hạ sốt nhanh, an toàn tại nhà

Khi sốt chưa quá cao và người bệnh vẫn tỉnh táo, có thể áp dụng các cách hạ sốt tại nhà như sau:

  • Uống nhiều nước: Sốt khiến cơ thể mất nước nhanh, nên uống nước lọc, nước điện giải hoặc oresol để bù dịch và cân bằng điện giải.
  • Chườm mát đúng cách: Dùng khăn ấm chườm vào các vị trí như trán, nách, bẹn để hỗ trợ hạ nhiệt. Tránh chườm lạnh trực tiếp vì có thể gây co mạch, làm nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn.
  • Mặc đồ thoáng, nằm nơi mát mẻ: Không nên đắp chăn dày hoặc mặc đồ bí, sẽ khiến nhiệt không thoát ra được, khiến sốt kéo dài.
  • Sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều: Theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Tránh vận động nhiều khi đang sốt, dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi tốt hơn.

Nếu sau 1- 2 ngày sốt không thuyên giảm, hoặc có dấu hiệu bất thường kèm theo, nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng nguyên nhân.

Empty

Có thể dùng paracetamol 500mg để hạ sốt (Ảnh: Minh họa)

Uyên Như (Tổng hợp)

comment Bình luận