Nhiều dấu hiệu sai phạm tại Phòng khám Đa khoa Mediplus Tân Mai

Thực hiện dịch vụ khám bệnh không được Bộ Y tế cấp phép, sử dụng nhân sự không có trong danh sách công bố, xuất phiếu kết quả xét nghiệm sai quy định là những dấu hiệu sai phạm đang diễn ra tại Phòng khám Đa khoa Mediplus Tân Mai (PK Mediplus).
15/11/2021 15:54

Thời gian qua, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng liên tục nhận được phản ánh của độc giả về việc Phòng khám Đa khoa Mediplus Tân Mai (địa chỉ tại Tầng 2, TTTM Mandarin Garden 2, Phường Tân Mai, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng có nhiều dấu hiệu sai phạm từ nhân sự đến dịch vụ y tế…

m1

Sảnh chờ của phòng khám Đa Khoa Mediplus Tân Mai

Để xác minh thông tin, phóng viên (PV) đã có mặt tại tại Phòng khám Mediplus trong vai người có nhu cầu kiểm tra sức khỏe liên quan đến COVID-19. Tại đây, PV đã được nhân sự phòng khám này tư vấn và đồng ý thực hiện dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-CoV-2 với giá 400.000đ (đã giảm 20%). Sau khi thực hiện lấy mẫu và chờ đợi khoảng 40 phút thì PV nhận được kết quả xét nghiệm. PV tiếp tục được dẫn đến Khoa Nội tổng hợp của cơ sở.

Tại đây, một người tự giới thiệu là bác sĩ Lê Mạnh Hùng - Khoa Nội tổng hợp đã hướng dẫn và giải thích về phiếu kết quả xét nghiệm của PV: “Chỉ số của định lượng kháng thể tất cả các loại vaccine nếu vượt ngưỡng 250 là đã có tác dụng phòng bệnh rồi. Em yên tâm, xét nghiệm của em như thế này là đã có kháng bệnh rồi. Kết quả mà em đang cầm trong tay là kết quả của Phòng khám Mediplus dùng máy xét nghiệm định lượng kháng thể hiện đại nhất và đã được Bộ Y tế cho phép. Giá trị của nó là tuyệt đối không phải bận tâm, lo lắng. Nếu không có Bộ Y tế cho phép bên anh không dám làm’’.

thu tien (2)

Dù không được cấp phép, không công khai giá dịch vụ, nhưng Phòng khám Đa khoa Mediplus vẫn thực hiện xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-CoV-2 thu tiền.

Theo thông tin trên phiếu trả kết quả thì toàn bộ quá trình xét nghiệm, phân tích kết quả đều do Phòng khám đa khoa Mediplus Tân Mai thực hiện. Tuy nhiên, trên phiếu kết quả lại không có chữ ký xác nhận của kỹ thuật viên thực hiện xét nghiệm. Đồng thời, cũng theo thông tin trên phiếu trả kết quả xét nghiệm, người lấy mẫu xét nghiệm cho PV là Trần Minh Trang, thế nhưng trong danh sách nhân sự được cấp phép công khai của Phòng khám Mediplus lại không có tên nhân viên này.

Tại Khoản 3, Điều 5, Thông tư số 49/2018/TT-BYT về hướng dẫn hoạt động xét nghiệm có nêu rõ: Phải kiểm tra kết quả xét nghiệm và ký trước khi trả kết quả xét nghiệm cho người bệnh. Cũng tại Điểm a, b, Khoản 9, Điều 14 có quy định rõ về trách nhiệm đối với kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học trở lên, thực hiện thêm các nhiệm vụ sau: (a) Kiểm tra lại kết quả xét nghiệm trong phạm vi được phân công; (b) Ký kết quả xét nghiệm trong phạm vi được phân công. Vậy, một kết quả xét nghiệm không có chữ ký xác nhận của xét nghiệm viên (kỹ thuật viên xét nghiệm) có trái với nội dung Thông tư hay không?

Liên quan đến sự việc trên, trả lời Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng, tại công văn số: 1339/KCB-QLCL&CĐT ngày 27 tháng 10 năm 2021, Cục trưởng Cục quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Hữu Khuê khẳng định: Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào thực hiện dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-CoV-2. Cục trưởng Lương Hữu Khuê lưu ý, việc xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-CoV-2 không chỉ không cần thiết, gây tốn kém, mà còn có thể gây tâm lý chủ quan, gây ảnh hưởng đến công tác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

ket qua2

Trên phiếu kết quả xét nghiệm của PK Mediplus không có chữ ký kỹ thuật viên xét nghiệm theo quy định, người lấy mẫu không có tên trong danh sách nhân sự được cấp phép tự công bố tại phòng khám 

Sau khi đã ghi nhận, xác minh tại PK Mediplus có những dấu hiệu sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã liên hệ và có buổi làm việc với đại diện phòng khám này.

Trong buổi làm việc, bà Nguyễn Phương Linh – đại diện PK Mediplus cho rằng "do Bộ Y tế không cấm, mà chỉ khuyến cáo không nên thực hiện dịch vụ xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-CoV-2. Phòng khám là một cơ sở cung cấp dịch vụ, thấy người dân có nhu cầu thì làm...".

Quan điểm trên của đại diện PK Mediplus là trái với quy định pháp luật hiện hành. Luật Khám bệnh, Chữa bệnh 2009, Nghị định 75/2017/NĐ-CP và Thông tư 43/2013/BYT đã quy định các đơn vị y tế chỉ được hoạt động, thực hiện các dịch vụ theo đúng danh mục, kỹ thuật, loại hình mà mình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Khi được hỏi liên quan đến những dấu hiệu sai phạm khác, thì bà Linh không trả lời các câu hỏi của PV, vì “bản thân không nắm rõ và phòng khám chưa có người phát ngôn chính thức”.

Khám chữa bệnh là hoạt động đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân, có thể làm lây lan, phát tán bệnh truyền nhiễm, nếu thực hiện sai quy trình, sai quy định và không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

 Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin .

Vũ Hường

comment Bình luận

largeer