Những dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết Dengue

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội số ca mắc sốt xuất huyết ngày một ra tăng, tính từ thời điểm đầu năm đến ngày 30/10, Hà Nội đã ghi nhận trên 9.747 ca mắc sốt xuất huyết với các tuýp D1, D2 và D4; trong đó đã có 12 ca tử vong. Thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 chính là tâm điểm của dịch sốt xuất huyết.
12/11/2022 09:11

Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa, có thể thành dịch lớn với số lượng người mắc cao, đặc biệt là các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường không tốt.

Bất cứ ai cũng có thể mắc sốt xuất huyết Dengue, nguy cơ tử vong và biến chứng nặng cao nếu không được phát hiện và điều trị tốt. Diễn biến bệnh rất nhanh, biến chứng xuất hiện đột ngột có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp y tế. Đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị điều trị sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân chủ yếu được điều trị triệu chứng, nâng cao miễn dịch và sức khỏe chống lại bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi các dấu hiệu của bệnh. Do vậy khi người bệnh có các dấu hiệu sau cần đến ngay các bệnh viện trên đại bàn để được thăm khám và điều trị.

Những dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết Dengue:

- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt, tay chân lạnh, ẩm, mệt lả, bứt rứt, biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

- Nôn ói nhiều, nôn ói kéo dài, nôn ra máu tươi hoặc máu đông.

Empty

(Ảnh minh hoạ)

- Chảy máu cam, chảy máu chân răng. Với phụ nữ có thể chảy máu dù không phải kinh nguyệt hay rong kinh.

- Đường tiêu hóa bị xuất huyết. Lúc này sẽ có những dấu hiệu để nhận biết như: Đại tiện phân đen, đi ngoài phân lẫn máu.

- Nặng hơn là xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng. Những xuất huyết này có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

- Một số bệnh nhân còn bị tràn dịch màng phổi, màng bụng

- Ngoài ra, vào giai đoạn này có thể bị hạ huyết áp do máu bị cô đặc khi không bù đủ dịch.

Empty

(Ảnh minh hoạ)

- Nặng hơn có thể suy tạng như viêm não, viêm gan nặng, viêm cơ tim. 

- Ngoài những triệu chứng trên nếu người bệnh có những dấu hiệu như: Đau bụng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu, không đi tiểu trên 6 giờ, vật vã, li bì hoặc có dấu hiệu xuất huyết thì cần đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Ở giai đoạn này, người bệnh nên hạn chế đi lại, chỉ nên nằm nghỉ tại giường, uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, oresol. Ăn lỏng, dễ tiêu, đảm bảo dinh dưỡng; thức ăn nên để nguội, không quá nóng.  Không ăn những thực phẩm có màu nâu đỏ, nâu đen để tránh bị nhầm lẫn với những dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa. Không đánh răng; Súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng. Đi vệ sinh không chốt cửa, thay đổi tư thế cần có người trợ giúp. Khi điều trị ngoại trú, người bệnh cần được theo dõi kỹ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh trở nặng hoặc tình trạng bệnh không được cải thiện. Lúc này cần đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế.

Những khuyến cáo phòng bệnh sốt xuất huyết:

Theo TS. Nguyễn Đăng Mạnh, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm – Bệnh viện TWQĐ cho biết “Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng”.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đặc biệt, người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

ĐD Lê Thị Hằng, Khánh Linh

Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

comment Bình luận

largeer