Những điều cha mẹ cần biết về bệnh sởi

“Sởi lây rất nhanh, nếu người chưa tiêm sởi mà đi ngang đầu giường người bị sởi là sẽ bị lây ngay!”. Có một điều khó khăn đó là những bé bị sởi phát tán siêu vi sởi rất mạnh và lây cho bé khác trước khi phát ban 2-3 ngày. Nhiều trường học, khi có bé phát ban phát hiện sởi thì gần như bé đã lây cả lớp, chỉ bé nào tiêm chủng đầy đủ hoặc miễn dịch tốt mới có đề kháng.
16/12/2024 14:43

Sởi là một bệnh rất là cổ xưa và từ khi có vaccine, rất nhiều bé trên thế giới được cứu sống, vậy mà giờ do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan mà sởi đang quay lại với đợt sóng mới gây ra đợt bùng phát và ảnh hưởng rất nhiều trẻ em. 

BỆNH SỞI CÓ LÂY KHÔNG?

- Chỉ số R0 của COVID-19 chỉ là 1-2 nhưng với sởi con số này lên đến 12-18, nghĩa là 1 bé có thể lây cho 12-18 bé khác. Trong lớp học chỉ cần 1 bé bị sởi là gần như cả lớp 20 bạn sẽ lây hết.

470231671_2926875347465077_8924353079107107961_n

Một trường hợp bệnh nhi bị sởi

- Sởi lây qua dịch tiết của người bệnh sởi hoặc thở cùng phòng với người bệnh sởi.

- Sởi tồn tại được 2 tiếng trong điều kiện tự nhiên nên khi trong lớp có bé sởi thì cần vệ sinh và sát trùng các bề mặt, đặc biệt người làm vệ sinh cũng phải là người đã tiêm chủng.

AI CÓ NGUY CƠ MẮC SỞI?

- Trẻ dưới 5 tuổi

- Phụ nữ có thai

- Trẻ suy giảm miễn dịch như bệnh mạn tính, tim bẩm sinh, dùng corticoid toàn thân…

- Trẻ chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ 2 mũi (phần lớn trường hợp tử vong do sởi ghi nhận ở những trẻ chưa tiêm mũi nào).

CÁC GIAI ĐOẠN SỞI: Thường phát triển qua 4 giai đoạn

(1) Ủ bệnh: Thường 10 ngày từ khi tiếp xúc với người bệnh sởi, không triệu chứng.

(2) Khởi phát: Sốt cao, ho liên tục, viêm kết mạc, đỏ mắt, đổ ghèn, dấu Koplik trong niêm mạc má… giai đoạn chưa phát ban.

(3) Toàn phát: Trẻ sẽ bắt đầu phát ban dạng sẩn, đè mất, xuất hiện từ gáy, chân tóc… ra trước mặt rồi lan xuống cổ, ngực, tứ chi và lòng bàn tay, chân.

(4) Phục hồi: Các nốt ban mất dần theo thứ tự khi mọc, sau khi lặn hết còn để lại vết thâm đen trên da như vằn da hổ.

CHẨN ĐOÁN SỞI (THEO WHO):

Tốt nhất là khi nghi ngờ sởi thì nên đưa bé đi khám bác sĩ Nhi và đánh giá, nhưng nếu bé có các biểu hiện dưới đây thì có thể nghi ngờ sởi.

(1) Sốt cao

(2) Phát ban

(3) Kèm 1 trong 3 triệu chứng: ho - chảy mũi - mắt đỏ

Không phải bé nào có triệu chứng này cũng chắc chắn là sởi nhưng nếu bé có càng nhiều biểu hiện giống ở trên thì càng nghi ngờ sởi, cần đi khám sớm. Một số trường hợp sẽ làm xét nghiệm IgM sởi hoặc PCR để chẩn đoán xác định, tùy vào thời điểm sốt và biểu hiện lâm sàng.

ĐIỀU TRỊ

- Sởi hiện nay chưa có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Trẻ cần khám bác sĩ trong mọi trường hợp nghi ngờ sởi. Bố mẹ tích cực bù nước, điện giải cho trẻ nếu có sốt, nôn hay tiêu chảy nha.

- Còn kháng sinh thì các bác sĩ sẽ đánh giá trực tiếp sởi có biến chứng chưa để cho.

- Quan trọng nhất trong việc điều trị đó là bổ sung vitamin A phòng ngừa tổn thương mắt và suy giảm miễn dịch hậu sởi. Các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận việc bổ sung vitamin A liều cao giúp giảm tỷ lệ tử vong hậu sởi.

BIẾN CHỨNG

- Mù lòa

- Viêm phổi

- Viêm não

- Viêm tai giữa

- Suy giảm miễn dịch hậu sởi

... nói chung là rất nhiều và di chứng rất nặng, thậm chí tử vong.

PHÒNG NGỪA

- Theo các chuyên gia thì tiêm chủng là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Nhưng tiêm chủng cần phải thực hiện rộng rãi trước khi bùng phát dịch, bây giờ dịch đã bùng lên do nhiều phụ huynh không cho con tiêm rồi nên việc tiêm cho trẻ cấp thiết hơn bao giờ hết.

- Tiêm 1 mũi sởi đạt hiệu quả bảo vệ 93% và 2 mũi đạt 98%. Khuyến cáo hiện nay là trẻ nên tiêm đủ ít nhất 2 mũi.

- Thời điểm tiêm:

+ Nếu mẹ cho trẻ tiêm ở trạm y tế phường xã (miễn phí theo Tiêm chủng mở rộng): Lúc 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, lúc 18 tháng tuổi tiêm mũi 2.

+ Nếu mẹ cho trẻ tiêm dịch vụ (trả phí): Lúc 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, lúc 12 tháng tiêm mũi 2, tiêm mũi nhắc sau 3 năm hoặc khi trẻ 4-6 tuổi.

- Sởi thì tiêm mũi sởi đơn hoặc sởi phối hợp quai bị-rubella cũng được.

- Có một điểm trong thông tin kê toa của mũi sởi đơn MVVAC (Việt Nam) và mũi phối hợp sởi - quai bị - rubella MMR-II (Mỹ) đó là khi dịch bùng lên thì có thể tiêm cho trẻ 6-9 tháng tuổi nên hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh tiêm cho bé 6-9 tháng là đúng khuyến cáo.

KẾT LUẬN

Hiện nay đang có dịch sởi bùng phát ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và đang có xu hướng lan rộng. Sởi là bệnh di chứng rất nặng nề nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc tiêm chủng đủ ít nhất 2 mũi.

Trẻ từ 6 tháng nếu ở TP. Hồ Chí Minh là có thể tiêm được rồi, còn nơi khác thì 9 tháng. Mũi sởi tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi được tính là mũi số 0 - mũi chống dịch nên trẻ đến 9 tháng tuổi vẫn cần tiêm tiếp theo phác đồ thông thường. Mũi chống dịch này sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm tỷ lệ trở nặng. Trẻ 6-9 tháng tuổi có lượng kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền sang giảm dần, trong khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nguy cơ mắc sởi cao. 

Có 2 loại vaccine tiêm cho nhóm trẻ này, gồm: Vaccine sởi đơn MVVAC của Việt Nam và MMR II phòng phối hợp sởi - quai bị - rubella của Mỹ, cha mẹ tìm hiểu thông tin để lựa chọn mũi phù hợp. Nếu trẻ đi học mà có bạn học bị sởi là phải cách ly ngay, vệ sinh trường lớp, đeo khẩu trang, rửa tay…

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh

comment Bình luận

largeer