Những giải pháp giúp tăng cường năng lượng tích cực

Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh, chủ yếu tìm thấy trong não nhưng có lượng nhỏ trong đường tiêu hóa và tiểu cầu trong máu. Serotonin được mệnh danh là “hóa chất hạnh phúc”, do đó, tăng cường chất này sẽ giúp chúng ta duy trì nguồn năng lượng tích cực cho cơ thể.
13/03/2023 14:19

Serotonin có nhiều trong đậu hũ, cá hồi, các loại hạt, gà tây, các loại rau lá xanh, sữa, trứng, phô mai, trái cây…

Với vai trò chuyển tiếp tín hiệu từ não đến toàn bộ cơ thể, serotonin chi phối hầu hết hành vi gồm đói, cảm xúc, vận động, nhận thức, đồng thời ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ và là yếu tố chính điều chỉnh tâm trạng như vui, buồn, lo lắng. Bên cạnh đó, serotonin còn hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, làm đông máu kịp thời, thúc đẩy chữa lành vết thương và liền sẹo, giúp đào thải chất độc trong thực phẩm và nuôi dưỡng xương khỏe mạnh. Ngoài ra, chất này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ham muốn tình dục.

Ảnh: Boldsky

(Ảnh: Boldsky)

Cân bằng serotonin trong cơ thể bằng dinh dưỡng

Uống trà đen, trà xanh, trà ô long: Uống trà giúp gia tăng nồng độ hợp chất L-theanine, thúc đẩy hàm lượng serotonin trong não và mang lại tác động thư giãn tinh thần. Trong đó, trà xanh có lượng L-theanine cao nhất, nên tiêu thụ mỗi ngày để giảm stress và sa sút tinh thần.

Tiêu thụ nghệ: Hoạt chất curcumin trong nghệ giúp duy trì hoạt động của serotonin trong não.

Bổ sung magiê, kẽm và vitamin D: Những dưỡng chất này giúp tế bào thần kinh sản xuất serotonin, nhờ đó giảm nguy cơ trầm cảm.

Dùng các loại thảo dược: Chiết xuất cây rễ vàng (Rhodiola rosea) có tác dụng khôi phục hàm lượng serotonin bình thường nên sẽ giúp ích cho những người bị mất ngủ, căng thẳng mãn tính, rối loạn lưỡng cực và tâm trạng thất thường. Trong khi đó, nhụy hoa nghệ tây (saffron), chiết xuất vỏ cây mộc lan và gừng làm tăng lượng serotonin trong não, giúp điều trị rối loạn tâm thần.

Thay đổi lối sống để cải thiện hàm lượng serotonin

Giảm stress: Cơ thể giải phóng hoóc-môn cortisol khi bị stress. Nếu bạn thường xuyên căng thẳng, cortisol có thể làm giảm hàm lượng serotonin. Cách chống stress hữu hiệu là tập ngồi thiền từ 10-15 phút/ngày, kết hợp uống trà thảo dược, tiêu thụ thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh.

Tập thể dục: Tập thể dục ít nhất nửa tiếng/ngày làm tăng nồng độ tryptophan, một dưỡng chất được chứng minh giúp ổn định tâm trạng và điều hòa lượng serotonin trong não. Theo các chuyên gia, những người thường xuyên tập thể dục ít bị trầm cảm.

Tập yoga và thiền: Đây là cách hiệu quả để tăng hàm lượng serotonin và chống lại sự mất cân bằng tâm lý. Các bài tập yoga và thiền không chỉ giảm stress, cải thiện nhận thức, khả năng tư duy mà còn giúp chúng ta hòa hợp hơn với thiên nhiên…

Liệu pháp nghệ thuật: Trong khi âm nhạc làm tăng hàm lượng serotonin thì khiêu vũ giúp tăng nồng độ tryptophan.

Tăng hàm lượng serotonin nhờ tác động thể chất

Phản hồi thần kinh: Phương pháp này thường được dùng trong chữa trị chứng đau nửa đầu, rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD), hội chứng đau cơ xơ hóa. Việc kích thích sóng điện để thay đổi hoạt động não được chứng minh có tác động tới hành vi và nhận thức, từ đó giúp bệnh nhân bớt mệt mỏi, lo lắng và stress sau 2-3 tuần điều trị.

Xoa bóp: Massage bằng tinh dầu làm giảm hormone gây stress cortisol trong khi làm tăng hàm lượng serotonin, giúp người bệnh thư giãn và bình tĩnh. Trong đó, dùng các loại tinh dầu từ hoa oải hương, hương thảo, cam, bạc hà… để thoa lên tóc và massage ngoài da giúp tăng lưu thông máu và ngăn chặn tình trạng tái hấp thu serotonin, từ đó mang lại tác dụng thư giãn và chống trầm cảm.

Châm cứu: Phương pháp này giúp máu lưu thông dễ dàng hơn và giảm căng cơ, nhờ đó làm tăng hoạt động serotonin trong huyết thanh, tăng cường sức khỏe cơ thể.

Liệu pháp ánh sáng: Đây là cách giúp cân bằng hàm lượng serotonin chỉ trong vài ngày. Liệu pháp ánh sáng thậm chí có thể điều trị chứng rối loạn lưỡng cực khi áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn.

Theo Boldsky

comment Bình luận

largeer