Những quy tắc uống thuốc mọi người cần tuân thủ

Nhằm cải thiện sức khỏe, hàng triệu người đang dùng thêm thuốc bổ hoặc thảo dược mỗi ngày, trong đó có nhiều trường hợp đồng thời uống thuốc kê đơn để điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường hay cao huyết áp. Mặc dù thuốc bổ (hoặc thực phẩm bổ sung) và thảo dược cải thiện sức khỏe theo nhiều cách, nhưng kết hợp chúng với thuốc kê đơn có thể nguy hiểm.
13/04/2023 15:59

Các nhà nghiên cứu tại Đại học hertfordshire mới đây cảnh báo, việc dùng chung thuốc bổ hoặc thảo dược với thuốc kê đơn có thể cản trở hấp thu thuốc hoặc tăng nguy cơ xuất huyết nội và tăng đường huyết. Đó là lý do mọi người cần nắm rõ những quy tắc uống thuốc sau đây:

Quy tắc 1: Kiểm tra kép

Chris Etheridge, Chủ tịch Hiệp hội Thảo dược Anh, khuyến nghị: “Dù là dược phẩm hay thảo dược, bệnh nhân phải luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang uống thuốc khác”. Ví dụ nếu bị tiểu đường hoặc cao huyết áp, bạn cần kiểm tra xem thuốc bổ hoặc thảo dược đang dùng có ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát đường huyết hoặc huyết áp hay không.

Nguyên do là các loại thảo dược và thuốc bổ có thể tương tác với dược phẩm theo nhiều cách để làm tăng/giảm độ hấp thụ thuốc của cơ thể, tác động lên các tế bào, hủy hoại gan và ảnh hưởng tới tốc độ đào thải thuốc khỏi cơ thể qua gan, thận hoặc ruột.

Ảnh: Daily Mail

Ảnh: Daily Mail

Trên thực tế, tất cả dược phẩm đều tương tác với thực phẩm, thảo dược hoặc thuốc bổ, điển hình là 3 kiểu tương tác có hại sau đây:

- Thuốc làm loãng máu (ngăn ngừa cục máu đông) Warfarin thường ức chế tác động của vitamin K vốn cần cho việc sản xuất prôtêin làm đông máu trong gan. Do đó, thuốc này không thích hợp dùng chung với những rau quả màu xanh đậm giàu vitamin K như bông cải trắng, bông cải xanh, cải bó xôi, măng tây, rau diếp và trái bơ.

- Thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol/Acetaminophen làm tăng tác dụng của Warfarin. Vì vậy, những người dùng Paracetamol liều cao (từ 9g/tuần trở lên) trong khi uống Warfarin tăng gấp 10 lần nguy cơ chống đông máu quá mức, có thể dễ dẫn tới xuất huyết não và đột quỵ.

- Thảo dược chữa trầm cảm Cỏ thánh (St John’s Wort) dễ tương tác với dược phẩm nhất, do nó tác động tới hệ enzyme trong gan vốn có nhiệm vụ phân hủy thuốc trong cơ thể. Thảo dược này cũng không thích hợp cho phụ nữ đang dùng Liệu pháp thay thế hoóc-môn (HRT) để giảm triệu chứng mãn kinh.

Quy tắc 2: Cẩn trọng khi chọn nước uống

Tốt nhất là uống thuốc bổ với nước lọc hoặc nước cam ép để tăng cường khả năng hấp thu của cơ thể, bởi vitamin C giúp hấp thu hầu hết chất sắt. Không uống thuốc/thuốc bổ với nước trà hoặc cà phê. Nguyên do là tannin cùng các hợp chất trong cà phê và trà dễ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ một số khoáng chất. Ngoài ra, sức nóng từ các thức uống này có thể phá hủy các vi khuẩn “tốt”, khiến dưỡng chất bổ sung không còn tác dụng.

Quy tắc 3: Ghi nhớ những cách kết hợp có lợi

- Thuốc giảm đau và vitamin C: Nhờ đặc tính chống viêm, vitamin C giúp tăng cường tác dụng của các loại thuốc giảm đau như paracetamol, aspirin và thuốc nhóm opioid, đồng thời bảo vệ gan và thận khỏi tổn thương do tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, vitamin C còn kéo dài tác dụng của thuốc giảm đau, qua đó giảm nhu cầu dùng thêm thuốc giảm đau.

- Thuốc kháng viêm Corticosteroid với canxi và vitamin D: Người uống Corticosteroid (hoặc cortioid) dài hạn có nguy cơ cao bị loãng xương, nên dùng thêm canxi và vitamin D sẽ giúp duy trì mật độ xương.

- Kháng sinh và lợi khuẩn probiotic: Ngoài tiêu diệt vi khuẩn có hại, nhiều loại kháng sinh cũng diệt luôn các lợi khuẩn trong ruột. Do vậy, bổ sung probiotic trong thời gian dùng kháng sinh và ít nhất 1 tuần sau đợt điều trị sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

- Kháng sinh và vitamin K: Dùng kháng sinh lâu dài có thể ức chế việc sản xuất các yếu tố giúp đông máu trong gan vốn cần vitamin K, cũng như tiêu diệt các probiotic sản sinh vitamin K tự nhiên cho cơ thể. Do đó, bệnh nhân dùng kháng sinh nên tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu vitamin K hoặc uống thêm viên bổ sung dưỡng chất này.

- Kháng sinh và Bromelain: Bromelain là enzyme có nhiều trong trái khóm, có tác dụng làm tăng nồng độ các loại thuốc kháng sinh như penicillin và amoxicillin trong máu, đồng thời cải thiện khả năng thẩm thấu của thuốc vào các mô, nhất là khi điều trị viêm xoang, viêm cuống phổi và áp-xe.

- Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) và chiết xuất bạch quả (Ginkgo biliba): Dùng thuốc SSRI chữa trầm cảm có thể ảnh hưởng khả năng tình dục của bệnh nhân, nhưng việc dùng thêm chiết xuất bạch quả sẽ giúp khắc phục tác dụng phụ của thuốc.

- Paracetamol và chiết xuất cây kế sữa (Milk thistle): Thuốc paracetamol gây tổn thương gan vì làm giảm nồng độ hóa chất glutathione, trong khi chiết xuất cây kế sữa giúp bảo vệ gan vì nó làm tăng nồng độ glutathione trong gan.

- Thuốc giảm mỡ trong máu Statin và Co-enzyme Q10: Việc uống statin có thể làm giảm một nửa lượng Co-enzyme Q10 trong máu chỉ trong 2 tuần, dẫn tới đau và yếu cơ. Do đó, người dùng statin cần bổ sung Co-enzyme Q10 để cân bằng. Ngoài ra, vitamin D và E cũng giảm tác dụng phụ của statin.

- Thuốc ức chế ACE và Kẽm: Dùng loại thuốc này để hạ huyết áp dễ dẫn đến thiếu kẽm (cần cho chức năng miễn dịch), đặc biệt là khi dùng chung với thuốc lợi tiểu. Bổ sung thực phẩm hoặc viên đa vi chất chứa kẽm là cách khắc phục tốt nhất trong trường hợp này.

Theo Daily Mail

comment Bình luận

largeer