Những thầy thuốc tận tâm với việc hiến máu cứu người

Không chỉ tham gia tích cực vào công việc chuyên môn là điều trị, phẫu thuật cứu người, các cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa luôn hăng hái, tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, vận động mọi người cùng tham gia hiến máu nhân đạo.
20/04/2023 10:58
Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thăm khám cho người bệnh

Cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thăm khám cho người bệnh

Máu là sự sống của mỗi người, bất kể người khỏe hay người ốm. Với người bệnh, từng đơn vị máu càng trở nên quý giá, bởi đó không chỉ là sự giúp đỡ, sự sẻ chia của cộng đồng, mà chính là nguồn sống, là cơ hội để được hồi sinh, để được tiếp thêm hi vọng. Nhờ có máu mà nhịp đập trái tim, hơi thở và cuộc sống của người bệnh được duy trì.

Hiểu được tầm quan trọng của máu đối với người bệnh, những năm qua, cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa luôn hăng hái, tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện.

Bác sĩ trẻ với niềm đam mê hiến máu cứu  người

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Tam – Bác sĩ Gây mê hồi sức, Bí thư Chi đoàn khoa Gây mê hồi sức, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, một trong số những điển hình xuất sắc, luôn sẵn sàng đi đầu trong các hoạt động, phong trào tình nguyện hiến máu nhân đạo của Bện viện.

Là một bác sỹ gây mê hồi sức, hàng ngày phải trực tiếp tham gia các ca phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân, bác sĩ Tam cho biết: “Trong những ca cấp cứu, bên cạnh chuyên môn, sự nỗ lực của các y bác sĩ, thì không thể thiếu được nguồn máu cho phẫu thuật. Lúc đó, nếu không có máu, thì người bác sĩ thậm chí chỉ nhìn bệnh nhân mà không thể làm gì được”.

Hiến máu nhiều, mỗi lần là một kỷ niệm, nhưng có lẽ không phải ai cũng gặp câu chuyện thú vị như bác sĩ Tam. Vào thời điểm số lượng máu dự trữ trong ngân hàng máu của Bệnh viện cạn kiệt, trong một lần tham gia phẫu thuật cấp cứu cho một sản phụ bị đờ tử cung, băng huyết sau sinh, mất khá nhiều máu, tính mạng vô cùng nguy hiểm. Để kịp thời có nguồn máu và tiểu cầu cứu sống bệnh nhân, bác sĩ Tam cùng cán bộ y bác sĩ trong Ngân hàng máu sống của Bệnh viện đã khẩn trương hiến máu cho sản phụ. Nhờ có những giọt máu tình nguyện, sản phụ đã được cứu sống trong niềm vui vỡ òa của gia đình và ê kíp các y bác sĩ.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Tam với niềm đam mê hiến máu cứu  người

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Tam với niềm đam mê hiến máu cứu người

Tham gia hiến máu từ khi là sinh viên với một suy nghĩ đơn giản là làm được gì giúp ích cho bệnh nhân thì mình sẽ làm. Dù là hiến máu định kỳ hay đột xuất trong ca trực, anh cũng chẳng do dự sẵn sàng hiến những giọt máu của mình, để phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó, với kiến thức của người bác sĩ, cùng với kinh nghiệm hơn 20 lần hiến máu, bác sĩ Tam còn trở thành “cố vấn” cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp khi họ cần thêm thông tin về hiến máu.

Bác sĩ Tam chia sẻ:“Hiến máu, không chỉ là cơ hội cho đi những giọt máu để cứu người, mà bản thân người hiến máu cũng nhận được nhiều lợi ích. Mỗi một lần tham gia hiến máu là người hiến được kiểm tra sức khỏe, lượng máu cho đi cũng nhanh chóng được tái tạo lại, bởi vậy nên người hiến máu không bị ảnh hưởng về thể chất…Tất cả những kiến thức, hiểu biết về hiến máu, tôi đều tuyên truyền cho người thân, bạn bè của mình biết và tích cực tham gia.”

Với những đóng góp tích cực trong phong trào hiến máu tình nguyện, bác sĩ Nguyễn Văn Tam đã vinh dự nhận được Giấy khen của Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thanh Hóa và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đoàn Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, BCH Đoàn TNCS Hồ CHí Minh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Kỹ thuật viên với “thâm niên” 12 năm hiến máu tình nguyện

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nói về hiến máu cứu người thì cái tên Bùi Thanh Phúc có lẽ không còn xa lạ với các cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện. Với 12 năm bền bỉ trao sự sống với 18 lần hiến máu toàn phần và 36 lần hiến tiểu cầu, Kỹ thuật viên Bùi Thanh Phúc, hiện đang công tác tại khoa Chẩn đoán hình ảnh là một trong những tấm gương sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Anh Phúc chia sẻ: “Tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu. So với hiến máu, hiến tiểu cầu cần điều kiện nghiêm ngặt hơn như nam phải có cân nặng từ 65kg trở lên, có sức khỏe tốt, ven lớn... nên ít người hiến được”.

Kỹ thuật viên Bùi Thanh Phúc 12 năm bền bỉ trao sự sống với 18 lần hiến máu toàn phần và 36 lần hiến tiểu cầu

Kỹ thuật viên Bùi Thanh Phúc 12 năm bền bỉ trao sự sống với 18 lần hiến máu toàn phần và 36 lần hiến tiểu cầu

“Suốt 6 năm nay, từ khi Trung tâm Huyết học và Truyền máu của Bệnh viện có thể sản xuất được tiểu cầu, tôi thường xuyên đăng ký hiến. Trung bình cứ 2 tháng tôi hiến tiểu cầu 1 lần, nhưng có những tháng bệnh nhân phải truyền tiểu cầu gia tăng, đặc biệt là đợt dịch COVID-19, tôi hiến mỗi tháng một lần, thấy sức khoẻ của mình vẫn đảm bảo. Sau hiến, tôi vẫn tham gia làm việc và sinh hoạt bình thường”, anh Phúc cho biết thêm.

Với anh, mỗi một lần hiến máu là một cung bậc cảm xúc khác nhau, có những lần trở thành kỷ niệm khó quên. Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi tham gia hiến máu, anh Phúc cho biết: “Một ngày cuối tháng 11 năm 2022 khi tôi đang trong ca trực tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, lúc đó khoảng 4h sáng, tôi là người trực tiếp chụp X-quang cho một nam bệnh nhân còn rất trẻ bị tai nạn giao thông rất nặng, đa chấn thương, máu chảy khắp người, người mẹ đi theo gào khóc thảm thiết, rất đáng thương. Khi nhận được thông tin bệnh nhân cần truyền tiểu cầu cấp cứu, tôi không do dự mà lao như tên lửa về Trung tâm Huyết học và Truyền máu làm thủ tục hiến tiểu cầu cho bệnh nhân.

Lúc hiến tiểu cầu xong, mẹ của bệnh nhân biết tôi là người hiến liền chạy đến ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở và dúi vào tay tôi một lốc sữa tươi và một phong bì tiền. Tôi hơi ngỡ ngàng vì lần đầu tiên gặp tình huống như vậy. Lúc đó không hiểu sao tôi không biết nói gì, chỉ uống liền tù tì 2 hộp sữa, trả lại phong bì cho mẹ bệnh nhân rồi chạy một mạch về vị trí trực. Bệnh nhân sau đó được cứu sống, tôi thở phào nhẹ nhõm vì ít ra những giọt máu mình hiến đã phần nào có ích cho người bệnh khi họ đang đứng giữa ranh giới sinh tử”.

Dù đã nhiều lần được Ban Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thanh Hoá trao tặng Giấy khen, nhưng kỹ thuật viên Bùi Thanh Phúc cho biết, với anh, phần thưởng quý giá nhất đó chính là những giọt máu hồng của mình sẽ được tiếp tục chảy trong cơ thể người bệnh, để họ được cứu sống khỏi lằn ranh sinh tử và “giữ được nhịp đập trái tim”.

 Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer