Thanh Hóa: Điểm mặt loạt doanh nghiệp nợ bảo hiểm với hơn 314 tỷ đồng

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm với tổng số tiền chậm đóng là hơn 314 tỷ đồng. Trong đó có 638 đơn vị nợ từ 4 đến 12 tháng, đặc biệt có 290 đơn vị nợ với số tiền lớn và thời gian kéo dài trên 24 tháng.
18/04/2023 16:39
Trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa

Trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, thời điểm 31/12/2022 trên địa bàn tỉnh này có 2.252 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số lao động là 40.144 người và số tiền chậm đóng là 314,1 tỷ đồng (số tiền chậm đóng là 237,6 tỷ đồng; lãi chậm đóng là 76,5 tỷ đồng).

Cụ thể, một số đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm với số tiền lớn và kéo dài trong nhiều tháng như: Công ty TNHH FLCSAMSON GOLF & RESORT có 862 lao động chậm đóng 22 tháng với số tiền là 18,8 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 50 lao động chậm đóng 79 tháng với số tiền là 15,4 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 có 63 lao động chậm đóng 55 tháng với số tiền là 9,2 tỷ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 202 lao động chậm đóng 22 tháng với số tiền là 6,3 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên JLG Vina có 102 lao động chậm đóng 31 tháng với số tiền là 4 tỷ đồng; Công tyTNHH Liên doanh Vinastone có 140 lao động chậm đóng 18 tháng với số tiền là 2,4 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Văn Tám - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết việc xử lý, truy thu đối với những đơn vị nợ đọng bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều doanh nghiệp quá thiên về lợi nhuận, cố tình không đóng, chây ỳ không nộp tiền nợ bảo hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra. Công tác đôn đốc thu, nộp bảo hiểm đã thực hiện thường xuyên, tuy nhiên vẫn còn một số viên chức được giao quản lý đơn vị chưa thường xuyên theo sát đơn vị, nắm bắt tình hình để có giải pháp đôn đốc thu nộp phù hợp với tình hình. Vẫn còn đơn vị bảo hiểm huyện có lúc phối hợp chưa tốt với các cơ quan, đơn vị có ký quy chế phối hợp; chưa kịp thời báo cáo tình hình thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm, nhất là tình hình chậm đóng trên địa bàn để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo ông Tám, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo hiểm của người sử dụng lao động chưa nghiêm. Việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về chậm đóng bảo hiểm.

Liên quan đến tình trạng chậm đóng bảo hiểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết, những năm qua UBND tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tồn tại những hạn chế.

UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ nghiên cứu giải pháp để hoàn thiện các chương trình hành động, nỗ lực khắc phục hạn chế, quyết tâm tạo chuyển biến cụ thể để giải quyết tình trạng chậm đóng bảo hiểm kéo dài trên địa bàn tỉnh.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer