Những vi phạm của Học viện Quân y vụ đề tài kit test Việt Á tốn gần 19 tỷ đồng ngân sách

Tổng cộng có 5 cá nhân (3 cấp tướng, 2 cấp tá) là lãnh đạo, cán bộ Học viện Quân y bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu tên trong vụ kit test Việt Á.
By Nhất Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
05/03/2022 11:38
Thượng tá Hồ Anh Sơn - Chủ nhiệm đề tài (phải), cùng bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á) giới thiệu bộ kit test COVID-19. (Ảnh: VGP).

Thượng tá Hồ Anh Sơn - Chủ nhiệm đề tài (phải), cùng bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á) giới thiệu bộ kit test COVID-19. (Ảnh: VGP).

5 cán bộ Học viện Quân y bị UBKT Trung ương “điểm danh” vụ Việt Á

Như đã đưa tin, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa thông tin về kỳ họp thứ 12, trong đó có đề cập đến vụ việc kit test Việt Á cũng như những vi phạm của Học viện Quân y.

UBKT Trung ương cũng đã nêu đích danh các cá nhân gồm: Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự;

Thượng tá Hồ Anh Sơn - Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Trang bị, Vật tư và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc Học viện.

Theo UBKT Trung ương, những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Trung tướng Đỗ Quyết - Giám đốc Học Viện Quân y trong buổi họp báo công bố kết quả Đề tài nghiên cứu hồi tháng 3/2020. (Ảnh: VTV).

Trung tướng Đỗ Quyết - Giám đốc Học Viện Quân y trong buổi họp báo công bố kết quả Đề tài nghiên cứu hồi tháng 3/2020. (Ảnh: VTV).

Bên cạnh đó, UBKT Trung ương cũng thông tin: Những vi phạm nêu trên có trách nhiệm của Ban cán sự đảng, một số đồng chí lãnh đạo và tổ chức, cá nhân ở Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, đang được UBKT Trung ương tiếp tục kiểm tra, làm rõ.

Đề tài khoa học cấp Quốc gia gần 19 tỷ đồng ngân sách vì sao lọt tay Việt Á?

Theo thông tin từ Bộ KH&CN, bộ kit xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu, sản xuất là sản phẩm của một nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia, với tên đầy đủ là “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”.

Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ trên là 18,98 tỷ đồng. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021 (sau khi được gia hạn thêm đến tháng 10/2021).

Các bị can: Nguyễn Minh Tuấn - nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế (Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế); Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học & Công nghệ) bị khởi tố trong vụ Việt Á. (Ảnh BCA).

Các bị can: Nguyễn Minh Tuấn - nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế (Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế); Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học & Công nghệ) bị khởi tố trong vụ Việt Á. (Ảnh BCA).

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu là Học viện Quân y, do PGS-TS Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm. Tham gia nhiệm vụ có 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có bốn thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Trong đó, Phan Quốc Việt - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, người đã bị khởi tố và bắt tạm giam, cũng là một thành viên nghiên cứu chính tham gia thực hiện nhiệm vụ này.

Từng trả lời trên báo chí về sự tham gia của Công ty Việt Á, PGS-TS Hồ Anh Sơn cho hay nhiệm vụ được chia làm 2 giai đoạn, một là nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm (do các nhà khoa học nghiên cứu), hai là triển khai sản xuất thử nghiệm (do doanh nghiệp chủ trì).

Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm từ những ngày đầu nghiên cứu là bởi tính cấp bách. Hai giai đoạn được tích hợp làm một. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch.

Danh sách các thành viên tham gia nghiên cứu kit test Việt Á. (Ảnh: Bộ KH&CN).

Danh sách các thành viên tham gia nghiên cứu kit test Việt Á. (Ảnh: Bộ KH&CN).

Câu hỏi lớn được dư luận đặt ra: Ngân sách chi gần 19 tỷ đồng để Học viện Quân y chủ trì nghiên cứu đề tài, vậy kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao như thế nào, bằng hình thức gì cho Công ty Việt Á - là một doanh nghiệp tư nhân?

Tại sao đề tài sử dụng tiền Ngân sách lại lọt tay Công ty Việt Á để rồi công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước, với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó công ty thu về số tiền hơn 500 tỷ đồng, chi “hoa hồng” cho các “đối tác” lên tới gần 800 tỷ đồng…

Chủ nhiệm đề tài nói gì?

Trả lời phỏng vấn trên báo Vnxpress hôm cuối tháng 12/2021 sau khi lãnh đạo Công ty Việt Á bị khởi tố, PGS. TS Hồ Anh Sơn – Chủ nhiệm đề tài (là người đã bị UBKT Trung ương nêu tên) cho hay: Học viện Quân y đã đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm nCoV. Ngày 3/2/2020, nhiệm vụ được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phê duyệt với yêu cầu, sau một tháng phải có sản phẩm kit xét nghiệm phục vụ chống dịch.

Theo ông Sơn: Có gần 80 người tham gia nhóm nghiên cứu, trong đó 17 thành viên chính là các giáo sư, tiến sĩ và chuyên gia đầu ngành lĩnh vực y sinh, hô hấp, truyền nhiễm... Số còn lại là các bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên đảm nhiệm việc thu thập mẫu, xét nghiệm, phân tích...

Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài trả lời báo chí trong vụ việc kit test Việt Á. (Ảnh: Vnexpress).

Thượng tá Hồ Anh Sơn, Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài trả lời báo chí trong vụ việc kit test Việt Á. (Ảnh: Vnexpress).

Sau một tháng, nhóm đã hoàn thiện quy trình và có những sản phẩm kit đầu tiên, phát hiện chính xác nCoV trong mẫu bệnh phẩm với độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương kit của Đức và kit của CDC Mỹ sử dụng thời điểm đó.

Tôi khẳng định, đây là kết quả sáng tạo, kết hợp kinh nghiệm, kiến thức được tích lũy nhiều năm của các nhà khoa học của Học viện Quân y nói riêng và Việt Nam nói chung”, Chủ nhiệm đề tài nói trên tờ báo.

Nói về lý do có sự xuất hiện của Công ty Việt Á, ông Sơn cho hay: “Tại thời điểm đó, Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực sản xuất test kit. Họ đã có một số bộ test kit được Bộ Y tế cấp phép sử dụng trước đó. Cơ sở sản xuất của họ đạt chứng chỉ ISO 13485/2016”.

Về vụ việc Công ty Việt Á, Chủ nhiệm đề tài Hồ Anh Sơn nói rằng, rất buồn và bức xúc. “Tôi mong muốn cơ quan điều tra làm rõ sai phạm, đúng người, đúng việc, tránh để dư luận hiểu sai, ảnh hưởng đến uy tín của các nhà khoa học, những người ngày đêm theo đuổi để nghiên cứu thành công kit xét nghiệm. Những sai phạm mà cơ quan điều tra đề cập không liên quan quy trình nghiên cứu”.

Giám đốc Học viện Quân y nói gì về quy trình sản xuất kit test?

Tờ VTV.VN trong bài viết “Số lượng và chất lượng bộ kít phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất rất đảm bảo” dẫn lời Trung tướng Đỗ Quyết - Giám đốc Học Viện Quân y hôm họp báo công bố kết quả Đề tài nghiên cứu vào ngày 5/3/2020, cho hay: "Đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR one step phát hiện virus Corona chủng mới là đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện".

Về quy trình sản xuất bộ kít, Trung tướng Đỗ Quyết khẳng định là rất nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn với một số ưu việt: "Kỹ thuật được tích hợp của các thử nghiệm nên tránh được những thao tác không chính xác; thời gian bộ kít cho kết quả xét nghiệm sẽ rút ngắn hơn, vì vậy giá thành của bộ kít cũng giảm hơn. Ngoài ra, số lượng sản xuất của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á khoảng 10.000 bộ kít/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất gấp 3 lần. Như vậy, năng lực sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc có thể hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới". 

Cận cảnh xưởng sản xuất kit xét nghiệm của công ty Việt Á - (Nguồn: VTV24).

comment Bình luận

largeer