Nước kênh, rạch, sông ngòi Sài Gòn bị ô nhiễm nặng

Hiện nay, nguồn nước sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi một khối lượng nước thải khổng lồ xả thải các khu dân cư, khu đô thị, các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất... nằm dọc sông. Vấn nạn này đang là thách thức lớn đối với chính quyền TP. Hồ Chí Minh.
08/02/2023 08:45

Hiện nay, 94% nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước ở Thành phố Hồ Chí Minh, để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đến từ nước mặt của lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nước này đang bị suy giảm chất lượng, do tác động của quá trình đô thị hóa.

Trên thực tế, nguồn nước sông Sài Gòn, đang phải gánh một khối lượng nước thải khổng lồ từ các khu dân cư, khu đô thị, các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất... nằm dọc sông. Nước thải cùng với nước mưa chảy tràn đổ vào sông theo hệ thống cống xả chung khiến nước sông ô nhiễm trầm trọng.

Bên cạnh đó, các yếu tố biến đổi khí hậu như nhiệt độ, nắng nóng, lượng mưa và nước biển dâng khiến khả năng lan truyền mặn vào sâu hơn trong nội đồng. Sự thay đổi mặn và mức độ lan truyền mặn có xu hướng tăng dần trong tương lai về phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng sông Sài Gòn và hồ Trị An sông Đồng Nai, gây tác động ngày càng lớn đối với nguồn cung cấp nước.

Hậu quả là trong thời gian gần đây, nước từ sông Sài Gòn có mức độ ô nhiễm tăng cao; vào mùa khô thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn, mùa mưa hàm lượng mangan và amoniac rất cao.

c12

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt chưa xử lý, nước mưa chảy tràn mang theo rác thải và đặc biệt là việc người dân lấn chiếm, xả rác bừa bãi xuống kênh, rạch. Khu vực kênh, rạch tại quận 8, Tân Phú, Tân Bình… bốc mùi hôi thối và màu nước đen kịt.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1), công suất 141.000m3/ngày; nhà máy Bình Hưng Hòa, công suất 46.000m3/ngày và nhà máy Tham Lương-Bến Cát đang đưa vào vận hành xử lý khoảng 10.000-15.000m3/ngày trong tổng công suất giai đoạn 1 là 131.000m3/ngày, cùng nhiều trạm xử lý nước thải phi tập trung trên toàn địa bàn.

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại các quận, huyện còn chưa tốt khi tình trạng lấn chiếm, xả rác xuống sông, kênh, rạch vẫn diễn ra mỗi ngày. Những nguyên nhân trên đã khiến tình trạng ô nhiễm kênh rạch ở TP. Hồ Chí Minh trở nên phức tạp, gây khó khăn cho công tác bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch cho người dân.

Rất dễ để bắt gặp những dòng kênh, con sông ngập tràn rác thải, nước đen bốc mùi hôi thối. Chất lượng nước mặt và nước ngầm ô nhiễm nặng đang đặt TP. Hồ Chí Minh trước nhiều thách thức. 

Trước thực trạng nguồn nước tại tuyến sông Sài Gòn và các nhánh phụ đang ngày một bị ô nhiễm, mọi người không khỏi băn khoăn cho rằng, nếu không có biện pháp kịp thời, thì một tương lai không xa, sông Sài Gòn không còn đảm bảo được những tiêu chuẩn cần thiết, để cung ứng nguồn nước sạch cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh?

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại các tuyến sông TP. HCM chưa bao giờ hết nhức nhối. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Vậy nên, cần có những giải pháp cụ thể bảo vệ nguồn nước Thành phố ngay lúc này.

Ngọc Thành

comment Bình luận

largeer