Ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm giảm 2 năm tuổi thọ

Ngày 14/6, Viện Chính sách năng lượng thuộc Đại học Chicago đã công bố báo cáo cho thấy ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm mất đi 2 năm tuổi.
15/06/2022 07:03

Theo báo cáo Chỉ số Cuộc sống chất lượng không khí, trên khắp Nam Á, tuổi thọ trung bình của một người có thể kéo dài thêm hơn 5 năm nếu mức độ hạt bụi mịn đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WTO). Tại các bang Uttar Pradesh và Bihar của Ấn Độ, nơi có 300 triệu người sinh sống, bệnh phổi và tim do ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 gây ra làm giảm 8 năm tuổi thọ của người dân, trong khi con số này ở thủ đô New Delhi là 10 năm. So với các nguyên nhân gây tử vong sớm khác, tác động của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có thể so sánh với việc hút thuốc lá, gấp ba lần so với sử dụng rượu và 6 lần so với bệnh HIV/AIDS.

o-nhiem-khong-khi-15751787898641922267842

(Ảnh minh hoạ)

Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micron, gần bằng đường kính sợi tóc của con người - xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu. Năm 2013, Liên hợp quốc (LHQ) đã xếp bụi mịn PM2.5 vào danh sách tác nhân gây ung thư. WHO cho biết mật độ bụi mịn PM2.5 trong không khí không được vượt 15 microgam/m3 trong bất kỳ khoảng thời gian 24 giờ nào, hoặc 5 mcg/m3 tính trung bình trong cả năm. Trước những bằng chứng cho thấy tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của ô nhiễm không khí, hồi năm ngoái, WHO đã siết chặt các tiêu chuẩn - sự thay đổi đầu tiên kể từ khi đưa ra hướng dẫn chất lượng không khí hồi năm 2005.

Theo báo cáo, mật độ bụi mịn tại hầu hết tất cả các khu vực đông dân trên thế giới đều vượt quá tiêu chuẩn của WHO, trong đó châu Á dẫn đầu. Cụ thể, mật độ bụi mịn tại Bangladesh cao gấp 15 lần tiêu chuẩn của WHO, ở Ấn Độ gấp 10 lần, trong khi ở Nepal và Pakistan gấp 9 lần. Khu vực Trung và Tây Phi, cùng với phần lớn Đông Nam Á và một phần của Trung Mỹ, cũng phải đối mặt với mức độ ô nhiễm cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Đáng ngạc nhiên là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 vào năm 2020, dữ liệu gần đây nhất có sẵn, hầu như không thay đổi so với năm trước mặc dù hoạt động của nền kinh tế toàn cầu đang chững lại rõ rệt và lượng khí thải CO2 giảm tương ứng do các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19. Riêng tại Trung Quốc, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đã giảm gần 40% từ năm 2013 đến năm 2020, giúp tăng thêm 2 năm tuổi thọ. Tuy nhiên, ngay cả với bước tiến này, tuổi thọ trung bình của người dân tại quốc gia 1,4 tỷ dân này ngày nay bị giảm hơn 2,6 năm.

Trao đổi với báo giới, trưởng nhóm nghiên cứu Crista Hasenkopf và các đồng nghiệp nhấn mạnh việc đảm bảo không khí trong sạch "sẽ trả lại" thêm số năm tuổi thọ cho mọi người trên khắp thế giới. Việc giảm ô nhiễm không khí toàn cầu một cách bền vững để đáp ứng các hướng dẫn của WHO sẽ giúp tuổi thọ trung bình của con người kéo dài thêm 2,2 năm.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer