Phát huy vai trò của Thanh niên Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đánh giá cao vị trí, vai trò của Thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng, Người khẳng định họ chính là “mùa xuân” của đất nước: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước". (1)
25/03/2022 10:09

Về vị trí, vai trò của Thanh niên

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò của thanh niên – lực lượng kế cận của cách mạng, của Đảng, tương lai của dân tộc, Họ chính là người chủ tương lai của nước nhà, là “mùa xuân của xã hội”. Bởi vì thanh niên: “chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn” và “thanh niên là bộ phận quan trọng của dân tộc”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động, lãnh đạo cách mạng của mình, Hồ Chí Minh có hàng trăm tác phẩm, bài viết, bài nói chuyện đề cập đến thanh niên và công tác giáo dục thanh niên. Từ những tác phẩm đầu tiên như Đường Kách Mệnh cho đến tác phẩm cuối cùng – Di Chúc, Công tác thanh niên luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

z3288343785709_c4caaebfc6ce271897cecddfb5ce475f

Người chỉ rõ ưu điểm nổi trội của thanh niên: Trẻ, khỏe, chiếm số đông trong xã hội, hăng hái, nhiệt tình, nhanh nhạy tiếp thu cái mới, giàu ước mơ… Đó là lứa tuổi ham hiểu biết, giàu niềm tin, tự thể nghiệm mình, có khả năng tiềm ẩn trong việc thực hiện lý tưởng, mục tiêu cao quý… Do vậy, nếu biết định hướng, động viên đúng thì thanh niên sẽ say sưa với lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa.

Những ngày đầu tìm đường cứu nước, hoạt động cách mạng, Người đã nhận thấy trong một thời gian dài, khi các phong trào yêu nước phát triển nhưng lần lượt thất bại, một bộ phận lớn thanh niên tỏ ra chán nản, bế tắc, “ngủ quên” trước vận mệnh quốc gia dân tộc: “Nói ra thì buồn, buồn lắm: họ không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những thanh niên có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi”. (2)

Do vậy vấn đề cấp thiết lúc này là cần phải thức tỉnh dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước. Muốn thức tỉnh dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên. Trong thư “Gửi thanh niên An Nam” năm 1925, Người viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. (3)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, để thức tỉnh thanh niên và phát huy vai trò của họ thì trước hết cần phải đoàn kết, tập hợp thanh niên trong một tổ chức cách mạng. Bởi vì: “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết họp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”.

Theo Hồ Chí Minh, vai trò của thanh niên không chỉ trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn được thể hiện trong sự phát triển tương lai của đất nước, do vậy: Thanh niên “phải tham gia ý kiến vào công việc của chính phủ, chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự rèn luyện từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác những việc trọng đại của nước nhà”. (4)

Vai trò của thanh niên được thể hiện trên cả hai bình diện xã hội và mối quan hệ kết nối quá khứ với tương lai: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai” (5). Và họ chính là lực lượng quan trọng góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như Bác Hồ dự báo: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. (6)

Giáo dục, đào tạo Thanh niên

Trên cơ sở đánh giá vai trò to lớn của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng và tiền đồ của quốc gia dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, đào tạo thanh niên. Sau khi tìm được con đường cứu nước giải phóng dân tộc – con đường cách mạng vô sản, để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng cộng sảnViệt Nam, tháng 6/1925, tại Quảng Châu – Trung Quốc, Người đã thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và xuất bản tờ báo cách mạng đầu tiên -  Báo Thanh niên. Thông qua đó mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng đầu tiên mà tất cả các học viên theo học đều là thanh niên trí thức yêu nước từ Việt Nam sang.

Là người đã sáng lập, rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhà nước đề ra các chính sách thanh niên phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, đặc biệt là về mặt giáo dục, đào tạo. Công tác thanh niên mà trước hết là giáo dục, đào tạo, phát huy vai trò thanh niên là quá trình tác động đồng bộ của các chủ thể từ gia đình, đoàn thể, xã hội cho đến các cấp ủy đảng và chính quyền. Giáo dục, đào tạo là sự nghiệp “trăm năm” như Người từng khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(7). Và đó là việc làm cực kỳ cần thiết cho cách mạng, cho đời sau: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Trong công tác thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc đào đạo đội ngũ thanh niên đủ đức đủ tài với tiêu chí đào tao ra “lớp người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. Cùng với giáo dục, công tác tổ chức thanh niên cũng được Bác đặc biệt quan tâm, cần phải tổ chức thanh niên thành lực lượng chính trị hùng hậu chung quanh Đảng, là cánh tay phải của Đảng. Tổ chức tập hợp thanh niên là điều kiện để giáo dục và ngược lại phải tiến hành đào tạo, giáo dục thanh niên qua tổ chức. Phải kiên trì xây dựng một tổ chức thanh niên cộng sản làm cánh tay và đội hậu bị của Đảng: “Đoàn là cánh tay đắc lực của Đảng để thực hiện những chủ trương, chính sách cách mạng”(8) Củng cố tổ chức đoàn là điều kiện tiên quyết để mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên. Muốn củng cố tổ chức đoàn thì trước hết “phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên”(9)

Để tổ chức đoàn phát huy sức mạnh của mình, phải ra sức đoàn kết, tập hợp thanh niên thành một mặt trận rộng lớn. Để làm được điều này, Người yêu cầu tổ chức đoàn phải nghiên cứu tìm ra những hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc. Các hình thức và phương pháp đó phải vừa thu hút rộng rãi thanh niên tham gia nhưng phải được định hướng vững chắc, nghĩa là có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có tính ổn định và triển vọng phát triển. Người chỉ rõ, muốn củng cố và phát triển Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống công tác, học tập của thanh niên và tất cả đoàn viên phải gương mẫu.

Trong công tác xây dựng đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lưu ý về việc phải phát triển đoàn viên về số lượng đồng thời phải coi trọng việc nâng cao chất lượng. Đồng thời nhấn mạnh phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác thanh niên và công tác đoàn. Người căn dặn: “Chi bộ phải chăm lo xây dựng Đoàn thanh niên cho thật tốt”, đồng thời: “Trung ương và các cấp đảng bộ địa phương phải chăm sóc hơn nữa đến công tác thanh niên” trong đó vấn đề quan trọng là chăm lo công tác xây dựng đoàn để “phát huy tác dụng tiên phong của Đoàn về mọi mặt”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Bộ Thanh niên rồi Nha Thanh niên trong chính phủ để chăm lo công tác thanh niên. Người căn dặn công tác thanh niên “phải liên hệ với các lực lượng của chính phủ”. Điều này có nghĩa là muốn đưa công tác thanh niên đạt đến kết quả như mong muốn, trước hết Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo và tổ chức sự phối hợp giữa nhiều lực lượng trong đó có Chính phủ.

Phát huy vai trò của Thanh niên trong giai đoạn cách mạng hiện nay

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vị trí, vai trò của thanh niên đã được khẳng định. Để tiếp tục phát huy vai trò đó, thì vấn đề giáo dục thanh niên luôn được đặt lên hàng đầu mà trước hết là giáo dục đạo đức cách mạng.

Nhìn lại thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, thanh niên Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hàng trăm phong trào cách mạng của thanh niên ra đời như: “Thanh niên lập nghiệp”, Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Phong trào tuổi trẻ sáng tạo”, Phong trào tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”… Cùng với đó là các Chương trình hành động lớn như: Chương trình đồng hành với thanh thiếu nhi trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm chủ công nghệ; Chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và Chương trình đồng hành với thanh thiếu nhi phát triển kỹ năng xã hội, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần đã thực sự đi vào cuộc sống, được các tầng lớp thanh niên tích cực hưởng ứng với tinh thần  “khởi nghiệp” lấy lực lượng thanh niên, doanh nhân trẻ làm nòng cốt...vv,  đã diễn ra hết sức sôi nổi, bước đầu đã gặt hái những kết quả đáng khích lệ.

Nhờ vậy đã tạo nên một lớp thanh niên mới, trong đó có bộ phận thanh niên tiên tiến đi đầu trên nhiều lĩnh vực, có thái độ, nhận thức tốt và ý thức chính trị cao, có ý chí vượt qua khó khăn, vươn lên lập thân, lập nghiệp, phát huy mạnh mẽ truyền thống xung kích của lớp lớp thanh niên đi trước. Qua đó vị trí, vai trò của đoàn viên, thanh niên ngày càng được khẳng định, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng,văn minh như Bác Hồ hằng mong muốn.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2002, tập 4, trang 86.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tập 2, trang 144.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2002, tập 4, trang 144.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, 1995, HN, tr.29.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, 1995, HN, tr.315.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, 1995, HN, tr.375.

(7) Hồ Chí Minh tuyển tập, tập II, NXB Sự thật, 1980, tr.129. 

(8) Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, NXB Thanh niên, HN, 1980, tr.165.

(9) Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, NXB Thanh niên, HN, 1980, tr.166.  

Thạc sỹ Vũ Văn Chương

comment Bình luận

largeer