Phẫu thuật, điều trị trật bánh chè sau chấn thương

So với trật khớp gối, trật bánh chè là tổn thương nhẹ hơn, thường gặp bánh chè trật ra ngoài và nhiều trường hợp tự khỏi trước khi người bệnh vào đến bệnh viện. Tuy nhiên tỷ lệ tái phát sau khi trật lần đầu tiên có thể lên tới 60%.
29/08/2023 15:54

TS.BS Lê Mạnh Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Trật bánh chè hay gặp hơn ở trẻ gái tuổi dậy thì, các vận động viên, vũ công… nguyên nhân thường gặp do thay đổi đột ngột hướng đi hoặc xoắn vặn đầu gối hoặc có lực tác động mạnh vào vùng mặt trong gối. 

Trật bánh chè được chẩn đoán bằng thăm khám lâm sàng, XQ, trong trường hợp tự nắn trật thì chẩn đoán dựa vào bệnh sử, nếu khớp còn trật sẽ sờ thấy bánh chè trật ra ngoài, bệnh nhân giữ gối hơi gấp và khó duỗi gối. 

11

Vị trí bánh chè bình thường, bán trật và trật ra ngoài. Quan sát rõ nhất ở tư thế gấp gối

Điều trị trật bánh chè bằng nắn chỉnh, bất động hoặc phẫu thuật. Đối với những bệnh nhân trật bánh chè lần đầu mà không có bằng chứng mất vững hoặc tổn thương nội khớp là điều trị bảo tồn, bao gồm giảm đau, chườm đá, NSAIDs, tập vật lý trị liệu và tập vận động. 

Thông thường, nắn trật bánh chè không cần dùng an thần hay giảm đau. Ban đầu khi nắn trật là gấp háng, sau đó nhẹ nhàng đẩy bánh chè vào trong cùng lúc duỗi gối từ từ. Khi bánh chè hết trật sẽ nghe rõ tiếng cạch và giảm biến dạng quanh gối. 

Phẫu thuật đối với trật bánh chè được chỉ định trong các trường hợp: Trật lần đầu có mất vững hoặc tổn thương nội khớp; MRI thể hiện có sự gián đoạn của dây chằng chè đùi trong (MPFL); Điều trị bảo tồn không đáp ứng và có các yếu tố nguy cơ gây trật khớp lại và trật khớp tái phát. Tùy vào tổn thương cụ thể, các phương pháp phẫu thuật có thể là nội soi khớp hoặc mổ mở sửa hoặc tái tạo dây chằng chè đùi trong, giải phóng phía bên ngoài, hoặc cắt xương. Mục tiêu là xử lý các tổn thương xương, sụn khớp vùng gối, làm vững dây chằng xung quanh bánh chè.

comment Bình luận

largeer