Phẫu thuật nội soi cắt gan ít xâm lấn phức tạp nhất

Phẫu thuật nội soi (PTNS) cắt gan là thực hiện cắt gan dựa vào các dụng cụ được đưa qua các lỗ nhỏ trên thành bụng và sử dụng camera để chiếu lên màn hình. PTNS cắt gan là một trong những phẫu thuật ít xâm lấn phức tạp nhất, đòi hỏi phẫu thuật viên chuyên khoa sâu, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và trang thiết bị, dụng cụ phù hợp.
14/12/2021 09:24

ThS.BS. Đặng Kim Khuê, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai sẽ lý giải về vấn đề này.

Cắt gan nội soi gồm những bước gì?

Quy trình cắt gan nội soi hiện tại đang được thực hiện tại Khoa Phẫu thuật Tiêu hoá - Gan mật tuỵ gồm các bước như sau:

Bước 1: Bệnh nhân khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm đánh giá khả năng cắt bỏ, khả năng thực hiện phẫu thuật.

Bước 2: Ban lãnh đạo khoa cùng các bác sĩ sẽ hội chẩn đánh giá lại trước khi đưa ra chỉ định phẫu thuật cuối cùng. Bộ phận liên lạc của khoa sẽ trao đổi và báo lịch mổ cụ thể cho bệnh nhân cũng như hướng dẫn các thủ tục cần thiết.

pt_noi_soi_cat_gan-12_15_07_287

Các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thực hiện phẫu thuật nội soi cắt gan

Bước 3: Bệnh nhân vào viện trước phẫu thuật 1 ngày, khám gây mê và chuẩn bị trước mổ. Ít nhất có một người nhà bệnh nhân (Bố mẹ, con trên 18 tuổi, anh chị em ruột) được nghe giải thích trực tiếp và ký hồ sơ trước phẫu thuật.

Bước 4: Các bước thực hiện phẫu thuật:

- Bệnh nhân được chuyển lên khu phẫu thuật. Các bác sĩ gây mê sẽ thực hiện các kỹ thuật tiền mê, giảm đau.

- Phẫu thuật viên và ê kíp sẽ thực hiện phẫu thuật (dự kiến khoảng 2-4 giờ).

- Sau mổ bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ tại khu hồi sức sau mổ. Khi ổn định sẽ được chuyển về bệnh phòng.

Bước 4: Điều trị hậu phẫu đến ra viện. Bệnh nhân và gia đình được tư vấn đầy đủ trước khi ra viện.

Chú ý: Khi ra viện lấy đầy đủ giấy ra viện, giấy phẫu thuật, cách thức phẫu thuật, giải phẫu bệnh, giấy hẹn khám lại và đơn thuốc.

Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì trước và sau quá trình thực hiện kỹ thuật?

Để đảm bảo an toàn tối đa cho quá trình thực hiện phẫu thuật nội soi cắt gan, người bệnh cần biết những điều sau:

Trước mổ:

- Bác sĩ sẽ gặp bệnh nhân giải thích, đưa ra những lời khuyên cần thực hiện trước mổ

- Bệnh nhân suy dinh dưỡng, sụt cân nhiều, chức năng gan thận kém sẽ được can thiệp dinh dưỡng trước ít nhất 7 ngày hoặc hơn để cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

- Bệnh nhân không được nhịn ăn uống kép dài trước mổ. Các bác sĩ sẽ khuyến cáo các sản phẩm dinh dưỡng sử dụng trước mổ.

- Không phải chuẩn bị ruột bằng các thuốc uống.

- Bác sĩ gây mê hồi sức sẽ tư vấn các loại thuốc sử dụng trước gây mê.

Sau mổ:

- Bệnh nhân được ăn đường miệng ngay ngày thứ nhất sau mổ kết hợp với dinh dưỡng đường tĩnh mạch.

- Vận động sớm sau mổ.

- Nếu có cảm giác buồn nôn, nôn báo bác sĩ để được dùng thuốc ngay.

- Với cắt gan lớn bệnh nhân sẽ được thở oxy hỗ trợ sau mổ. Do vậy bệnh nhân cần phối hợp thực hiện.

- Thuốc kháng vi rút tiếp tục điều trị và duy trì sau khi ra viện.

Sau khi ra viện, bệnh nhân cần lưu ý 

Sau khi ra viện, bệnh nhân có thể sớm trở lại sinh hoạt bình thường tại nhà, tham gia các công việc nhẹ, việc văn phòng. Các công việc nặng: làm nông, mang vác nặng cần hạn chế trong 1 tháng đầu sau mổ.

Duy trì uống thuốc điều trị viêm gan B, C nếu có.

Duy trì chế độ ăn có lợi cho gan: Không có chế độ đặc hiệu nào cho bệnh nhân sau mổ u gan, viêm gan nhưng các khuyến cáo cho rằng chế độ ăn bao gồm:

- Ăn nhiều rau và các loại quả

- Nhiều protein như cá, thịt gà, trứng và đậu.

- Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, lúa mạch…

- Các sản phẩm sữa ít béo hoặc không có chất béo.

- Các chất béo tốt cho gan ở trong các loại hạt như oliu, quả bơ…

- Bổ sung vitamin, khoáng chất

Các loại đồ ăn nên tránh:

- Chất béo bão hoà ở trong bơ, kem hay các sản phẩm giàu chất béo khác, thịt mỡ, đồ ăn chiên rán.

- Đồ ăn nhiều đường: bánh ngọt, bánh nướng….

- Đồ ăn mặn, tẩm muối.

- Đồ uống có cồn.

Theo Bệnh viện Bạch Mai

comment Bình luận

largeer