Philippines: Nhiều cô gái chưa tròn 20 tuổi đã làm mẹ

Nhiều cô gái chưa tròn 20 tuổi đã làm mẹ ở Philippines, do gia cảnh quá nghèo dẫn đến nhanh chóng kết hôn và sinh con.
17/02/2022 15:52

Sau khi người anh trai mắc bệnh hen suyễn qua đời vào năm 2019, Erlyn (18 tuổi) đã nghỉ học. Daisy (16 tuổi), bạn cô, cũng đã mất mẹ vào năm 2017, không rõ nguyên nhân cái chết vì gia đình quá nghèo khó, không đủ tiền kiểm tra y tế, theo South China Morning Post.

Đau khổ và cần tiền, Erlyn bắt đầu làm nhân viên massage rồi gặp và nhanh chóng kết hôn với một người đàn ông ngoài 30 tuổi. Trong khi đó, Daisy rời nhà từ năm 15 tuổi để sống với bạn trai, hiện là chồng, bằng tuổi và cũng đã nghỉ học.

Sau đó, hai cô gái nhanh chóng trở thành mẹ. Erlyn sinh con trai Hades vào tháng 12/2020 và con trai của Daisy, Reysy Vee, chào đời vào tháng 10/2021.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Philippines, tình trạng các cô gái làm mẹ sớm ở quốc gia này là rất phổ biến, với khoảng 500 trẻ vị thành niên sinh con mỗi ngày. Vào tháng 6/2021, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký và công bố dự luật cấm tảo hôn, tuyên bố việc ngăn chặn tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên là "ưu tiên quốc gia".

Erlyn và Daisy sống gần nhau ở thành phố thành phố Quezon, gần Manila. Hai bà mẹ trẻ đang nuôi dạy đứa con đầu lòng trong đại dịch, đối phó với việc hồi phục sau sinh, cho con bú, học hát ru, trong khi cân nhắc xem mình có nên - hoặc có thể - quay lại học tiếp hay tìm việc hay không. Nếu trước đây, sự lựa chọn của hai người bị hạn chế bởi nghèo đói, giờ lại càng bó hẹp.

Empty

Nhiều cô gái như Daisy (trái) và Erlyn trở thành mẹ khi chưa tròn 20 tuổi (Ảnh: Geela Garcia)

Thiếu sự chăm sóc y tế

Trong đại dịch và nhất là ở một quốc gia nghèo, việc sinh con là thách thức không nhỏ.

Cecilia Villa, chuyên gia về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục của Oxfam Philippines, cho biết vì đại dịch, một số cơ sở y tế ở nông thôn phải ưu tiên ứng phó với COVID-19.

"Kết quả là phụ nữ ít được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục hơn. Một số người phải sinh con tại nhà vì không còn xe cứu thương đưa họ tới trung tâm y tế".

Erlyn không được sinh con ở một bệnh viện lớn vì không có đủ tiền làm xét nghiệm COVID-19 bắt buộc. Vì vậy, cô sinh Hades tại một cơ sở y tế nhỏ hơn, nơi không yêu cầu nhiều thủ tục.

Trung bình, chi phí cho một lần xét nghiệm COVID-19 ở Philippines là khoảng 60 USD, trong khi mức lương tối thiểu hàng ngày của người lao động trung bình là 11 USD.

Empty

Trong đại dịch, nhiều phụ nữ Philippines không nhận được sự chăm sóc về sức khỏe sinh sản (Ảnh: Geela Garcia)

Nghèo đói là vấn đề chung của nhiều bà mẹ trẻ tại Philippines. Theo Ủy ban Dân số và Phát triển Philippines (POPCOM), vào năm 2020, hơn một nửa số người ở độ tuổi thanh thiếu niên, khoảng 57%, được tính vào nhóm 40% dân số nghèo nhất.

Nghị sĩ Arlene Brosas cho biết các bà mẹ ở tuổi thiếu niên nghèo đói và con cái họ thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn khi không được tiếp cận các dịch vụ xã hội và y tế cơ bản.

Đối với Erlyn, cái chết của anh trai đã khiến cô nghỉ ngang cấp 3, không phải vì đại dịch hay mang thai. Cô gái 18 tuổi phải kiếm việc làm để nuôi mẹ và em gái 16 tuổi, chị gái 21 tuổi. Cha cô đã không còn.

Erlyn không biết khi nào hoặc liệu cô có thể trở lại trường. Bây giờ, ưu tiên của cô là có đủ tiền mua sữa và tã cho con.

Vai trò của cha mẹ

Mọi thứ có thể đã khác. Năm 2012, Đạo luật về sức khỏe sinh sản và quyền làm cha mẹ (RPRH) để tự do hóa việc tiếp cận với các dịch vụ kiểm soát sinh sản và dịch vụ liên quan đã được thông qua. Tuy nhiên, có một trở ngại lớn trước khi những thanh thiếu niên như Erlyn và Daisy có thể tận dụng những dịch vụ này: họ phải có được sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ.

Ở một quốc gia phần lớn người dân theo Công giáo như Philippines, quan hệ tình dục trước hôn nhân bị cấm đoán. Giáo hội Công giáo cũng có nhiều ảnh hưởng đến luật sức khỏe sinh sản ở nước này. Phải mất đến 14 năm để dự luật RPRH được thông qua vì sự phản đối của các giám mục.

Ban đầu, Gemma, mẹ của Erlyn, không mấy vui vẻ khi vào tháng 6/2020, con gái bà nói rằng đang mang thai. Cả hai không nói chuyện trong vài tuần và Erlyn về sống với gia đình chồng vài tháng, sau đó trở lại khi mọi chuyện lắng xuống.

Trong khi đó, Daisy sống với người chồng thất nghiệp 16 tuổi ở một ngôi nhà tạm chật hẹp, cách nhà chồng vài bước chân.

Empty

Dịch bệnh khiến hệ thống y tế tại nhiều nơi ở Philippines gặp khó khăn (Ảnh: Reuters)

Mối quan hệ của mẹ con Erlyn vẫn còn căng thẳng.

"Tôi đã nói với con bé rằng hãy hoàn thành việc học trước bởi chuyện gia đình hoàn toàn có thể tính tới khi nó lớn hơn. Tôi sinh ra chị của Erlyn vào năm 28 tuổi nhưng vẫn chưa hoàn thành việc học vì mẹ tôi đã qua đời. Tôi đã nói với Erlyn đừng trở nên giống tôi, nhưng nó đã làm gì vậy?", bà Gemma nói.

Erlyn bắt đầu quan hệ tình dục từ năm 15 tuổi nhưng kiến thức về biện pháp tránh thai và sức khỏe sinh sản là rất ít, kể cả bây giờ.

"Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ trở thành một bà mẹ khi ở tuổi ngoài 20. Tôi hầu như không sử dụng biện pháp tránh thai vì sợ chúng", bà mẹ trẻ cho biết.

Empty

Con đường quay lại với học hành của những bà mẹ trẻ như Erlyn và Daisy rất mông lung (Ảnh: Geela Garcia)

Philippines đang bắt đầu có những thay đổi. Một bản sửa đổi đang tiến hành sẽ nâng độ tuổi đồng thuận tình dục từ 12 lên 16, Tổng thống Duterte cũng đã ký dự luật cấm tảo hôn và luật cấm khai thác tình dục trực tuyến cũng sắp được thông qua.

Eule Bonganay, Tổng Thư ký của Salinlahi, một liên minh thúc đẩy quyền trẻ em, nói rằng ngoài gia đình, nhà nước có trách nhiệm lớn trong việc nuôi dạy trẻ em và đảm bảo có cả sự tham gia của cộng đồng. Theo ông, các cơ cấu bất bình đẳng liên quan đến giáo dục, nhà ở và sinh kế phải được giải quyết.

Theo Zing

comment Bình luận

largeer