Phòng chống ung thư cổ tử cung - Kỳ 3

Kính thưa quý độc giả, để tổng quát kiến thức và phòng ngừa căn bệnh ung thư cổ tử cung, ban biên tập chuyên trang trân trọng gửi đến quý vị loạt bài viết chuyên sâu của các chuyên gia đến từ Bệnh viện quốc tế DNA – TP. Hồ Chí Minh. Kính mời quý vị theo dõi !
05/05/2023 10:11

KỲ 3: MỌI PHỤ NỮ ĐỀU CÓ NGUY CƠ UNG THƯ CỔ TỬ CUNG 

Xem thêm:

Kỳ 1 – UNG THƯ CỔ TỬ CUNG NGUY HIỂM VÀ PHỔ BIẾN Ở PHỤ NỮ

Kỳ 2 – NGUYÊN NHÂN GÂY UNG THƯ CỔ TỬ CUNG 

Đối với phụ nữ, nguy cơ viêm nhiễm HPV có liên quan chủ yếu đến họat động tình dục, đặc biệt là các hành vi tình dục của các bạn tình của họ. Tuy nhiên, viêm nhiễm HPV cũng khác so với các viêm nhiễm lây qua đường tình dục khác, tức là có thể viêm nhiễm HPV ngay cả khi không có tiếp xúc trong âm đạo (ví dụ như sau khi xuất tinh ngay ngoài âm đạo). Quan hệ tình dục sớm là một yếu tố nguy cơ cho viêm nhiễm HPV bởi vì cổ tử cung chưa phát triển hoàn toàn có lớp biểu mô chưa trưởng thành, từ đó làm cho vi rút càng dễ dàng thâm nhập. Các yếu tố cộng hưởng khác bao gồm sinh con sớm, nhiễm HIV hoặc các viêm nhiễm lây qua đường tình dục khác (ví dụ như vi rút herpes hoặc Chlamydia trachomatis). Đối với nam giới, các yếu tố nguy cơ viêm nhiễm HPV bao gồm có nhiều bạn tình, có bạn tình đồng giới…

 Nhóm có nguy cơ nhiễm HPV cao nhất là những phụ nữ đang trong độ tuổi có sinh hoạt tình dục.  Nguy cơ này có thể bắt đầu từ lần quan hệ tình dục đầu tiên và kéo dài suốt đời. Thông thường từ lúc nhiễm Virus HPV đến lúc tiến triển thành ung thư cổ tử cung có thể  kéo dài từ 1 đến 20 năm. Theo các nhà nghiên cứu, ước tính khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV trong suốt cuộc đời của họ.

Khi người phụ nữ bị nhiễm các týp HPV nguy cơ cao ở cổ tử cung và virus tồn tại kéo dài qua nhiều năm thì các virus này sẽ bắt đầu quá trình nhân sao làm biến đổi tế bào CTC, gây ra các tổn thương từ cấp độ thấp đến cao, từ tiền ung thư đến ung thư cổ tử cung… Sự biến đổi và các tổn thương này không diễn ra đột ngột mà trải qua nhiều năm và đây là một quá trình khá âm thầm lặng lẽ và hầu như không có triệu chứng gì rõ rệt ở những giai đoạn đầu.

ung thu ctc

Ung thư cổ tử cung – Tiền ung thư cổ tử cung – Cổ tử cung bình thường 

Một điều các chị em cần hết sức lưu ý là khi nhiễm virus HPV thì ban đầu hầu như không có một triệu chứng gì. Và ngay cả khi đã có những tổn thương mức độ thấp thì các triệu chứng cũng không rõ rệt nên người phụ nữ thường không biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa và làm phết tế bào CTC âm đạo (Pap smear) định kỳ. Do đó, việc khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm tầm soát là hết sức quan trọng và cần thiết.

soi ctc

Tầm soát ung thư cổ tử cung: soi cổ tử cung

Trên thực tế nhiều chị em nhiễm  HPV rồi tự hết mà không cần điều trị. Một số khác nhiễm lâu dài với những loại HPV có khả năng gây ung thư qua nhiều năm thì các tổn thương sẽ dần dần tiến triển ở cổ tử cung và trở thành ung thư. Những loại HPV gây ra ung thư cổ tử cung nhiều nhất là HPV 16, 18, 31, 33, 45. Năm týp này là thủ phạm gây ra hơn 80% các ca ung thư cổ tử cung trên toàn cầu

Những quan niệm cho rằng ung thư cổ tử cung chỉ xảy ra với những người có quan hệ tình dục bừa bãi, sinh đẻ nhiều và vệ sinh cá nhân kém là không đúng. Mặc dù những yếu tố này làm gia tăng nguy cơ nhiễm virus HPV gây ung thư cổ tử cung, tuy nhiên, thực tế là vi rút HPV rất dễ lây lan. Chỉ cần tiếp xúc ngoài da ở bộ phận sinh dục đã có thể lây. Nhiễm HPV còn là nhiễm trùng đường sinh dục phổ biến nhất ở phụ nữ . Do đó thực tế là ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào và bất kỳ ai cũng không nên chủ quan rằng bệnh không thể xảy ra với mình.

Do vậy, an toàn tình dục và khám sức khỏe tầm soát phụ khoa định kỳ hàng năm tại các cơ sở y tế có uy tín là cách tốt nhất chị em cần thực hiện để phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bệnh viện Quốc tế DNA

Địa chỉ: 1015 Trần Hưng Đạo, P5, Q5, Tp.HCM

Hotline: 1900 2840

Email: [email protected]

facebook.com/benhvienquoctedna.vn

comment Bình luận

largeer