Phú Yên: Bảo tồn nguồn gen dược liệu, giữ gìn vốn quý cho mai sau

Dưới tác động phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng dân số và hiện tượng bất thường tự nhiên, các nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm tại Phú Yên đứng trước nguy cơ suy giảm và suy thoái nghiêm trọng.
04/12/2023 10:52

Trước thực trạng đó, việc giữ gìn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, mang đến lợi ích sức khỏe cho cộng đồng và giữ gìn vốn quý cho mai sau.

Phú Yên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nên có nguồn cây thuốc quý phong phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu về cây dược liệu ngày càng tăng trong khi nhận thức của người dân chưa được trang bị đầy đủ, công tác quản lý chưa chặt chẽ... khiến cho việc khai thác tài nguyên dược liệu thường diễn ra bừa bãi, không chú ý đến khả năng tái sinh của các loài dẫn đến nguy cơ bị tận diệt.

Hiện nay vẫn còn nhiều người dân sống tại khu vực nông thôn, miền núi phụ thuộc vào tài nguyên rừng và các sản phẩm từ rừng như khai thác gỗ, thực phẩm và các loại cây thuốc chữa trị bệnh. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về giá trị của các cây thuốc Việt Nam cùng với việc thương lái đẩy mạnh thu gom hàng nên người dân càng ra sức săn lùng, tận diệt nhiều cây thuốc để bán với giá rẻ hơn giá trị thực của nó nhiều lần, khiến nguồn dược liệu quý ngày càng cạn kiệt.

c3

Giới thiệu cây dược liệu đến du khách 

Nói về tầm quan trọng của việc bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý, Ths Nguyễn Trọng Lực cho biết, Phú Yên có một số loài mọc tự nhiên có trữ lượng khá, có giá trị kinh tế cao như: củ mài, thạch hộc, hà thủ ô trắng, hoàng đằng, bá bệnh và một số loài đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng như cam thảo Đá Bia, nhân sâm Phú Yên, ba kích tím, lan kim tuyến, gừng gió.

Các giống bản địa này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ sức khỏe cộng đồng, mang lại giá trị kinh tế nhưng bị khai thác quá mức, bị đe dọa hoặc bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhờ tập trung nguồn lực làm công tác bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý nên đến nay, nhiều cây dược liệu đã được Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung bảo tồn thành công.

Cụ thể đã xây dựng được quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và giữ được nguồn giống dưới dạng invitro đối với các cây hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến; xây dựng được quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô ba kích tím; đã di thực và bước đầu trồng thử nghiệm nhân sâm Phú Yên, xáo tam phân; xây dựng thành công vùng trồng diệp hạ châu, sa nhân công tím. Từ năm 2015 đến nay, cam thảo Đá Bia, thạch hộc, hoàng đằng, sâm cau… đã và đang tiếp tục được nghiên cứu để bảo tồn.

Công tác bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm, đặc hữu của địa phương thời gian qua đã góp phần phục hồi một số nguồn gen bản địa thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Việc bảo tồn thành công các nguồn gen này không chỉ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến khai thác các nguồn gen đặc hữu ở địa phương nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu mà còn có ý nghĩa thiết thực giúp bảo vệ, gìn giữ các nguồn dược liệu quý cho các thế hệ mai sau.

Thái Hà

comment Bình luận

largeer