Quảng Nam - Nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh về trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng

Khu vực các huyện miền núi Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn… của tỉnh Quảng Nam là nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh về trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
30/11/2023 11:25

Theo số liệu điều tra khảo sát, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh là 7.311,3 ha, phần lớn tập trung chủ yếu ở các huyện thuộc tiểu vùng núi cao, với các loại cây đặc trưng như: ba kích, đảng sâm, sa nhân, giảo cổ lam, đinh lăng, quế, sâm Ngọc Linh… Đối với bà con dân tộc ở các huyện miền núi, cây dược liệu được xem là cây chủ lực, là nguồn thu nhập chính của người dân, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo. Theo số liệu báo cáo của huyện Nam Trà My, mỗi năm bình quân người dân bán ra thị trường khoảng từ 5-6 tấn dược liệu các loại, nhờ đó nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế. Có thể khẳng định việc trồng cây dược liệu là một hướng đi đúng, nhất là đối với các địa phương vùng núi cao.

DL (Small)

Người dân chăm sóc cây dược liệu dưới tán rừng

Mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay việc phát triển cây dược liệu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác tự nhiên mà chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh. Một số loài đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Cây dược liệu sau khi thu hoạch, sơ chế được người dân mang bán tại chợ hoặc thương lái đến tận xã thu mua nên giá trị rất thấp. Giá cả dược liệu bấp bênh nên bước đầu chưa thực sự thu hút người dân tham gia.

Khi phát triển cây dược liệu, vấn đề tạo đầu ra cho sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Những năm gần đây, cùng với việc vận động nhân dân trồng, bảo tồn, phát triển cây dược liệu, ngoài các cơ chế hỗ trợ của Trung ương như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính Phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-HĐND, ngày 06/12/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc kêu gọi, xúc tiến các tổ chức, doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm dược liệu tại các huyện miền núi là một vấn đề nan giải, hiện nay chỉ có 2 Công ty (tại Tam Kỳ) có chức năng sản xuất, bào chế và chiết xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ củ và lá sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ba kích tím.

Nguyên nhân các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào các huyện miền núi, bởi lẽ nhiều lý do: Cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, gây nhiều khó khăn, trở ngại khi thác và vận chuyển; sản lượng dược liệu không ổn định vì hiện nay người dân còn khai thác tự phát, quy mô nhỏ và chưa có tính định hướng; thủ tục hành chính còn rườm rà làm giảm tâm huyết đầu tư của doanh nghiệp, cơ chế hỗ trợ của nhà nước còn chưa đủ kích thích doanh nghiệp đầu tư... Thách thức không nhỏ trong khi suất đầu tư lớn khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà.

Để dược liệu trở thành cây thoát nghèo của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi, đòi hỏi cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó, yếu tố quyết định vẫn là sự nỗ lực, vươn lên của người dân. Bên cạnh đó, cần có giải pháp cụ thể hơn, trên cơ sở tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp; đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, tăng cường mối liên kết trong trồng trọt, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Đăng Huy

comment Bình luận

largeer