Quặm mi có thể tự điều trị không?

Quặm mi là khi bờ mi bị cuộn vào trong nhãn cầu, khiến lông mi cọ xát với mắt, gây mẩn đỏ, kích ứng và trầy xước giác mạc của mắt khiến người bệnh khó chịu, đau đớn. Lâu dài sẽ làm tổn thương, gây trợt giác mạc. Nếu bệnh tiến triển nặng và kéo dài có thể gây viêm loét giác mạc, để lại sẹo, làm giảm thị lực.
07/09/2022 15:41

Nguyên nhân bệnh quặm mi

Quặm mi bẩm sinh: Là hiện tượng bờ mi lộn vào trong đẩy hàng lông mi cọ sát vào giác mạc, do khuyết tật cấu trúc của sụn mi, tăng sản cơ vòng mi và lớp da gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh tiến triển ngày càng nặng nếu không được điều trị, gây viêm loét giác mạc để lại sẹo, ảnh hưởng đến thị lực lâu dài của trẻ.

Quặm mi do tuổi già: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh quặm mi, xảy ra do lão hóa, khiến các mô nâng đỡ mi bị lỏng lẻo. Lông mi bị quặm vào trong gây ngứa, khó chịu, chảy nước mắt, đỏ mắt…

quammi

Quặm mi do co thắt: Thường xảy ra ở mi dưới. Người bệnh sang chấn sau phẫu thuật hoặc bị viêm ở mắt có thể bị co thắt mi mạn tính, nheo mắt kéo dài khiến bờ mi bị cuộn vào trong gây bệnh lông quặm.

Quặm mi do sẹo: Là biến chứng của bệnh về kết mạc và sụn mi như mắt hột, hội chứng Stevens – Johnson, bỏng hoá chất, bệnh Pemphigut mắt… Sụn mi mắt khi đó bị uốn cong vào trong, kết mạc mi có sẹo, đôi khi có dính mi một phần.

Có thể tự điều trị quặm mi không?

Theo BS.CK1 Lưu Thị Thiều Hoa, Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2: "Trước đây, bệnh nhân rất hay tự nhổ lông quặm tại nhà theo cách dân gian truyền miệng, bằng cách tạm dùng băng dính và kéo mi lật ra ngoài và dùng nhíp để nhổ các sợi lông mi mọc ngược vào trong mắt.

Tuy nhiên, cách này sẽ làm tăng kích thích lên da vùng mi mắt nên có cảm giác đau, thậm chí có thể gây nổi mẩn đỏ. Rồi bệnh nhân lại tự ý mua những tuýp thuốc mỡ bôi để làm dịu cảm giác kích thích, việc dùng thuốc không được sự chỉ định của bác sĩ không những không giúp cải thiện bệnh mà còn làm nặng bệnh hoặc gây ra những biến chứng đáng tiếc.

Một điều tất nhiên nữa là sau một thời gian lông mọc lên lại phải tiếp tục nhổ rất bất tiện. Muốn điều trị triệt để phải can thiệp bằng phẫu thuật, giúp bờ mi và hàng lông mi khít lại, tái lập vị trí bình thường của mi. Vì thế, khi phát hiện quặm mi bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách nhất".

Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2

comment Bình luận

largeer