Quảng Ninh: Phẫu thuật nội soi tạo hình niệu quản ra trước tĩnh mạch chủ cho nam bệnh nhân 32 tuổi thường xuyên đau tức vùng thắt lưng

Niệu quản phải sau tĩnh mạch chủ là một dị dạng rất hiếm gặp, gây thận ứ nước, giãn bể thận niệu quản, nguy cơ suy thận nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã phẫu thuật nội soi tạo hình niệu quản ra trước tĩnh mạch chủ cho nam bệnh nhân 32 tuổi thường xuyên đau tức vùng thắt lưng.
17/11/2023 14:46

Khoa Ngoại cho biết, bệnh nhân là P.N.D (32 tuổi) ở phường Hà Lầm, TP Hạ Long bị đau tức thắt lưng âm ỉ nhiều năm nay, tuy nhiên người bệnh không đi khám mà cố gắng chịu đựng do nghĩ rằng lao động sai tư thế. Gần đây khi kiểm tra sức khỏe tại đơn vị, bệnh nhân siêu âm vô tình phát hiện bể thận niệu quản phải giãn độ 2-3. Nhập viện chụp cắt lớp vi tính phát hiện bể thận - niệu quản phải đoạn 1/3 trên giãn do niệu quản phải bất thường chạy sau tĩnh mạch chủ dưới.

Theo giải phẫu bình thường của hệ tiết niệu, niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) phải nằm phía trước tĩnh mạch chậu 2 bên. Nhưng trường hợp của bệnh nhân D. lại ở vị trí bất thường phía sau tĩnh mạch chủ, đây là dị tật bẩm sinh hiếm gặp. Tình trạng này gây ra sự chèn ép lên niệu quản phía sau tĩnh mạch, làm thận ứ nước do tắc nghẽn dòng nước tiểu đổ xuống bàng quang, nếu kéo dài sẽ gây các biến chứng: Giãn đài bể thận, niệu quản phía trên; nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát, gây suy giảm thậm chí có thể mất chức năng thận nếu không điều trị kịp thời. Sau khi hội chẩn đánh giá, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi di chuyển và tạo hình niệu quản ra trước tĩnh mạch chủ cho người bệnh.

z4867076203631_01fdcd606cd8d8ad784b34258cba1251

Ekip phẫu thuật cho bệnh nhân

Kíp mổ khoa Ngoại do BSCKI Nguyễn Thanh Phương, Phó khoa; BSCKI Trần Trung Hội cùng BSCKII Trần Ngọc San, khoa Gây mê hồi sức phối hợp thực hiện. Phẫu thuật viên tiến hành đặt các trocar trên ổ bụng và đưa dụng cụ nội soi vào hạ đại tràng phải, bộc lộ tĩnh mạch chủ quan sát thấy bể thận, niệu quản 1/3 trên giãn rộng, niệu quản chạy sau tĩnh mạch chủ. Kíp mổ cẩn trọng phẫu tích bóc tách giải phóng niệu quản ra khỏi tĩnh mạch chủ, cắt đoạn niệu quản giãn, sau đó di chuyển niệu quản ra phía trước và khâu nối tạo hình lại bể thận niệu quản phải để phục hồi chức năng tiết niệu cho người bệnh. Bệnh nhân được đặt sonde và đóng vết mổ.

Sau 2,5 tiếng phẫu thuật, ca mổ diễn ra thành công, bệnh nhân mất ít máu do quá trình bóc tách, cầm máu tỉ mỉ. Sau mổ, sức khoẻ bệnh nhân tiến triển tốt, đã rút sonde, ngồi dậy đi lại và ăn uống sau 1 ngày, vết mổ khô, đỡ đau tức vùng thắt lưng hông.

Phấn khởi khi được xuất viện, bệnh nhân D. chia sẻ: “Tôi bị đau vùng thắt lưng hông vài năm nay nhưng chủ quan nghĩ là do lao động nặng nên bị vậy. Rất lo khi biết mình dị tật bẩm sinh vùng tiết niệu, nhưng may mắn tôi được các bác sĩ ở khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chữa trị kịp thời. Mổ xong là không còn thấy đau tức nhiều vùng thắt lưng như trước nữa, tôi rất mừng!”.

Phương pháp điều trị tối ưu khi dị tật niệu quản sau tĩnh mạch chủ có triệu chứng là phẫu thuật tạo hình lại niệu quản. Có nhiều phương pháp để đưa niệu quản về đúng vị trí giải phẫu như: mổ mở, nội soi ổ bụng, nội soi sau phúc mạc. Với phương pháp nội soi đường ổ bụng sẽ tạo phẫu trường rộng rãi giúp bác sĩ thực hiện các thao tác tạo hình, khâu nối dễ dàng, hạn chế biến chứng xảy ra. Đây cũng là phương pháp có nhiều ưu điểm như: Ít xâm lấn, tính thẩm mỹ cao do sẹo không lớn, thời gian nằm viện ngắn, nguy cơ biến chứng thấp. Đây là phương pháp đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm, kỹ năng thuần thục cùng phương tiện phẫu thuật nội soi hiện đại để thực hiện hiệu quả kỹ thuật.

BSCKI Trần Trung Hội, Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Niệu quản nằm sau tĩnh mạch chủ là dị tật bẩm sinh hiếm gặp của hệ tiết niệu, tỷ lệ gặp chỉ khoảng 0,07%, thường phát hiện ở độ tuổi từ 30 – 40 do các triệu chứng xuất hiện muộn. Với trường hợp của bệnh nhân D, chúng tôi quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi tạo hình niệu quản ra trước tĩnh mạch chủ qua đường ổ bụng để có phẫu trường đủ rộng thực hiện các thao tác có độ khó cao. Do tĩnh mạch chủ có thành mạch mỏng, quá trình bóc tách niệu quản ra khỏi tĩnh mạch rất dễ tổn thương gây chảy máu khó cầm, vì vậy đòi hỏi phẫu thuật viên phải có chuyên môn vững, tay nghề thuần thục, kỹ năng khéo léo trong quá trình bóc tách niệu quản ra khỏi tĩnh mạch chủ, đồng thời khâu nối tạo hình tỉ mỉ, đảm bảo sự lưu thông đường tiết niệu khi ở vị trí mới và an toàn cho người bệnh. Ca mổ thành công sẽ giúp bệnh nhân hết tình trạng đau tức lưng hông, thoát khỏi nguy cơ suy giảm chức năng thận, nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc về sau”.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer