Quyết tâm thực hiện mục tiêu kiên cố hoá 100% trường học vào năm 2030

Ngày 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị tổ chức theo hình trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh/thành phố.
26/10/2024 08:31

Xã hội hóa góp phần to lớn cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục

Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; 553.181 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, số phòng học kiên cố khoảng 364.367 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hoá là 65,9%.

Đến hết năm 2023, cả nước có gần  628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013. Trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hoá là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013. Cụ thể, tỷ lệ kiên cố hóa ở cấp học mầm non đạt 83%, tiểu học đạt 83,2%, và THCS đạt 94,9%.

Trong giai đoạn 2013-2023, nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hoá ở các địa phương.

Trong đó, số tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hoá để kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hoá trong 10 năm là khoảng 36.000 phòng. Số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hoá trong 10 năm khoảng 1.300 phòng.

Tổng số kinh phí xã hội hoá để đầu tư kiên cố hoá, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hoá phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương khoảng 521,9ha.

hoinghi

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Bộ GDĐT)

Hưởng ứng lời kêu của các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều trường học đã được đầu tư xây dựng khang triang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia từ nguồn xã hội hóa như Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự ở Vĩnh Long, Trường Mầm non Pác Bó ở Cao Bằng, Trường THPT Võ Văn Tần ở Long An…

Các doanh nghiệp như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghệ bưu chính viễn thông Quân đội - Viettel, các ngân hàng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank); các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đoàn thể và nhiều doanh nghiệp khác đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên khắp mọi miền của tổ quốc.

Các lực lượng vũ trang như Công an, Quân đội tại các tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An… đã không chỉ huy động xã hội hóa (XHH) để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp, đặc biệt tại các vùng biên giới, hải đảo, mà còn đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để sửa chữa và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các phòng học kiên cố, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và ổn định cuộc sống cho người dân tại các khu vực khó khăn.

Các hộ gia đình và cá nhân cũng đã tích cực quyên góp kinh phí, đồng thời hiến tặng hàng trăm hecta đất để mở rộng trường lớp, cả ở khu vực đô thị và miền núi.

Việc xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cấp học mầm non đạt 56.9%, cấp tiểu học đạt 62,8%; cấp THCS đạt 72,3% trường; cấp THPT đạt 49,6% trường; trường phổ thông nhiều cấp học đạt 44,2%.

“Đây là kết quả rất đáng tự hào, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên, học sinh có thêm điều kiện công tác, học tập tốt hơn. Đó cũng chính là các điều kiện cần thiết để ngành Giáo dục tập trung nâng chất lượng giáo dục”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và lan tỏa phong trào xã hội hóa rộng khắp hơn nữa, Bộ GDĐT đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức việc kiên cố hoá trường, lớp học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, cách làm hiệu quả để đến năm 2030 đạt 100% kiên cố hoá trường lớp học. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác xã hội hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

Tăng cường quy hoạch mạng lưới trường học. Các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp học để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo có quỹ đất để xây dựng và mở rộng các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn.

Khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng trường học và nhà công vụ cho giáo viên, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội.

Thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các nhà hảo tâm.

“Công tác xã hội hóa giáo dục trong 10 năm qua không chỉ góp phần to lớn trong việc cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Những tấm gương sáng trong công cuộc xã hội hóa chính là động lực để chúng ta tiếp tục phát huy, đưa nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Nghiên cứu chính sách để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ vào xã hóa giáo dục

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ những việc đã làm được, những kinh nghiệm trong thực hiện công tác xã hội hoá kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên thời gian qua; những dự kiến và đặc biệt là khẳng định cam kết tiếp tục chung tay, sát cánh cùng ngành Giáo dục thực hiện công tác xã hội hoá kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhận định, đây là hội nghị rất có ý nghĩa để ghi nhận, đánh dấu chặng đường 10 năm của sự nỗ lực, đồng lòng từ các cấp chính quyền, ngành Giáo dục và toàn xã hội trong tiếp tục cải thiện, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất giáo dục trên cả nước.

Phó Thủ tướng đánh giá, trong 10 năm qua, công tác xã hội hóa có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chúng ta chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong diện mạo của nhiều ngôi trường, từ lớp học tạm bợ nay được thay thế bằng những phòng học kiên cố, an toàn và tiện nghi hơn. Các nhà công vụ dành cho giáo viên cũng được đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến.

Một số kết quả cụ thể được Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đó là hệ thống cơ chế chính sách liên tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý trong việc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xã hội hóa giáo dục.

Nhiều địa phương đã ban hành chính sách riêng thúc đẩy xã hội hóa giáo dục như hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất để thu hút đầu tư vốn đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập.

Trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia đầu tư, nâng cấp kiên cố hóa được gần 36.000 phòng học, hơn 1.200 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí gần 33.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa trong cả nước đã tăng từ 65,9% (2013) lên 86,6% (2023), trong đó các khu vực miền núi, đồng bào thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhận được nhiều quan tâm, đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Mạng lưới cơ sở giáo dục ngoài công lập gia tăng nhanh chóng, năm học 2022-2023, cả nước có gần 4.000 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập, tăng hơn 2.500 trường so với năm 2013.

Một số trường mầm non, phổ thông có sự tham gia của nước ngoài đã được thành lập, qua đó học sinh, giáo viên có cơ hội tiếp cận với các chương trình dạy học tiên tiến, tài liệu và phương pháp giáo dục hiện đại.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Bộ GDĐT đã chủ trì, triển khai có trách nhiệm và hiệu quả chương trình này trong suốt 10 năm qua. Đồng thời, gửi lời cảm ơn tới các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đã tích cực tham gia đóng góp cho công cuộc này. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm xã hội vì tương lai của nền giáo dục nước nhà.

“Công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong 10 năm qua không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, tạo tiền đề vững chắc trong tương lai của các thế hệ học sinh. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, xã hội tới đội ngũ giáo viên - những người đang trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp “trồng người” của đất nước”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lên Thành Long cũng nhận định: Vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo vẫn còn thiếu hút cơ sở vật chất, điều kiện học tập, làm việc của học sinh, giáo viên chưa bảo đảm đầy đủ. Một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, học mượn, nhiều cơ sở giáo dục thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục đào tạo.

“Chúng ta cùng tiếp tục chung tay, huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ hệt thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới”.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GDĐT phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục; trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ GDĐT cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; chỉ đạo rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp để đầu tư và huy động đầu tư trọng tâm, trọng điểm bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn; trong đó lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số.

Đồng thời, đảm bảo ngân sách cho giáo dục và đào tạo, phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các tiểu dự án liên quan đến giáo dục đào tạo trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn. Giám sát, quản lý chặt chẽ không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.

Nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; giáo dục và đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cùng chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em - những chủ nhân tương lai của đất nước.

 “Tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện ráo riết hơn nữa

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và luôn thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát triển giáo dục và đào tạo bằng nhiều chủ trương và chính sách lớn. Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; trong đó xác định rõ “phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%”, tức là đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố. Để thực hiện được mục tiêu lớn này, cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.

“Hôm nay chúng ta cùng nhau đề cập tới một vấn đề rất lớn đối với giáo dục, vấn đề xóa trường tạm, nhà công vụ tạm cho thầy cô và học sinh”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng đồng thời bày tỏ sự đau đáu với vấn đề kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên:

“Chúng ta vẫn thường nói tới truyền thống trọng học, hiếu học, truyền thống văn hiến. Những giá trị truyền thống này là có thực và rất đáng tự hào. Nó thể hiện ở nhiều yếu tố như: số người đi học, tinh thần học tập, việc tôn sư trọng đạo... Nhưng một đất nước trọng học và hiếu học, cũng cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, đủ những thứ tối thiểu cho thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành. Đây chưa phải là một ưu ái, ưu tiên ở bất kỳ cấp độ nào, mà là một yêu cầu tối thiểu và để duy trì hoạt động tối thiểu của việc dạy và học.

Chúng ta sao có thể an lòng sinh hoạt trong ngôi nhà chắc chắn và ấm áp của mình, trong khi còn hàng nghìn trẻ em các tỉnh vùng núi phía Bắc băng hàng chục km đường rừng núi chỉ để tới được những ngôi trường và được ngồi học trong những căn phòng học tạm, gió lạnh thổi qua.

Chúng ta sao thể an lòng làm việc trong những văn phòng tiện nghi chắc chắn, thậm chí là lộng lẫy, khi mà cả nước còn hàng chục nghìn phòng  học, nhà công vụ vẫn trong tình trạng tạm bợ, có cũng như không có, không có nhưng vẫn phải có”.

Cho rằng kết quả thực hiện kiên cố hoá trường lớp thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ kiên cố hoá đã là rất cao so với 10 năm trước nhưng số chưa kiên cố hóa vẫn còn nhiều và lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn; những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học - các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu, Bộ trưởng nhấn mạnh: Mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa.

Theo Bộ trưởng, trường học là một thiết chế cộng đồng, thuộc cộng đồng, trong cộng đồng. Nó cần được cộng đồng quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ. Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực, nhiều chương trình, dự án, đề án, dành nhiều tiền bạc cho công việc kiên cố hóa trường học để đạt được tỷ lệ phòng học kiên cố hóa toàn quốc.

Các địa phương, các tỉnh thành trong cả nước cũng đã rất cố gắng như tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư; quy hoạch và xác định rõ từng khu vực cần ưu tiên xã hội hóa, tuyên truyền về ý nghĩa của việc xã hội hóa cho giáo dục,...

Nhưng vì số trường học trong cả nước rất lớn - trên 53.000 trường học, trong khi đất nước cũng vừa thoát nghèo, nguồn lực còn hạn chế, còn rất nhiều việc phải tập trung đầu tư. Vì vậy, việc kiên cố hóa trường học luôn luôn cần sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng.

“Thực tế thời gian qua cho thấy, trong xã hội có rất rất nhiều tấm lòng vàng, nhiều cơ quan, tổ chức nhiều cá nhân đã rất hăng hái quan tâm góp sức cho xây trường học và nhà công vụ. Nhiều người chưa thực sự giàu có nhưng cũng bớt một phần tài sản của mình để tham gia xây trường học với những mức độ đóng góp khác nhau.

Qua những việc làm bình thường và qua việc đột xuất ứng phó với bão số 3 vừa qua càng cho thấy tinh thần lá lành đùm lá rách, tinh thần tương trợ, tinh thần ưu tiên những gì tốt đẹp nhất dành cho trẻ em luôn thường trực trong mỗi người Việt Nam.

Rất nhiều tổ chức và cá nhân đã tham gia đóng góp về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và sách giáo khoa để khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục hoạt động các trường học bị tàn phá ở các tỉnh chịu thiệt hại bởi bão lũ, đặc biệt là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng nói.

Thay mặt các nhà giáo, các em học sinh được thụ hưởng sự quan tâm từ cộng đồng xã hội, được dạy và học trong những ngôi trường khang trang được dựng lên từ tình yêu thương, từ sự quan tâm, chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự cảm tạ sâu sắc tới tấm lòng vàng của các tập thể, tổ chức và cá nhân. Bộ trưởng đồng thời thay mặt cho các thầy, các cô, các em học sinh còn đang ở những trường tạm bợ và khó khăn, bày tỏ sự mong đợi sớm được nhận sự quan tâm từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Nhấn mạnh quan điểm, hoạt động thiện nguyện, quan tâm chia sẻ để xây trường học, tặng cho thầy trò vùng khó mang rất nhiều ý nghĩa giáo dục, Bộ trưởng cho rằng: Đây là hành vi tốt đẹp, làm nhân lên những điều tốt đẹp trong xã hội. Khi ai đó cho đi một chút gì đó nho nhỏ, tức là khi đó người ta đã thắng được cái ích kỷ, cái tham nho nhỏ, làm lớn thêm một chút các giá trị bao dung và lòng vị tha. Khi ta chia sẻ cho người thứ gì đó lớn hơn, nhất là phần lớn so với những gì ta có, tức khi đó người ấy thắng được cái ích kỷ lớn hơn, rũ bỏ được cái tham lớn hơn, lòng người rộng mở và những gì tốt đẹp nhân lên trong tinh thần của người trao tặng. Về phía người nhận, họ được những điều kiện tốt hơn, tinh thần họ ấm áp khi được quan tâm và lòng biết ơn sẽ nuôi dưỡng một tinh thần tốt đẹp bền vững hơn.

“Vì vậy, không đợi giàu mới thực hiện giúp đỡ cộng đồng, không phải đợi thành người lớn mới làm việc quan tâm và chia sẻ. Trong việc xây dựng trường học và hỗ trợ trường học khó khăn, chúng tôi mong muốn cả các thầy cô giáo và các em học sinh trong các trường học vẫn có thể tham gia với sự đóng góp vật nhỏ nghĩa lớn của mình. Chúng tôi cũng lưu ý các thầy cô giáo các vùng được thụ hưởng cần tăng cường giáo dục lòng biết ơn, nhớ ơn cho các em học sinh tới những người đã giúp đỡ, để bồi đắp cho tâm hồn, để các em sống tốt hơn, trách nhiệm với xã hội nhiều hơn.

Những việc đó đều là nhiệm vụ của ngành giáo dục chúng ta. Trong việc giải quyết khó khăn cơ sở vật chất của ngành hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện theo một tinh thần giáo dục cao cả và nhân đó để thực hiện việc giáo dục toàn diện. Việc kiên cố hóa trường học, xét về ý nghĩa nhiều mặt, nó không chỉ kiên cố hóa cho những ngôi trường, phòng học mà nó còn công dụng “kiên cố hóa” đối với thiện tâm tốt lành và cái đẹp trong tinh thần con người”, Bộ trưởng chia sẻ.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo của mình, trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác. Bộ cũng sẽ rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội cho việc này.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích mô hình hợp tác công tư trong giáo dục nhằm tối ưu hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân.

“Hôm nay, chúng ta tổ chức Hội nghị tổng kết việc huy động nguồn lực xã hội đóng góp cho việc kiên cố hóa trường học, có nhiều tấm gương được chúng ta khen thưởng, ghi nhận, biểu dương, có nhiều tổ chức cá nhân được nhắc tới, nhưng chắc chắn đó mới chỉ là một phần của những người đã và đang góp sức góp của cho công cuộc này. Rất nhiều người còn chưa được nêu tên, chưa được biết tới, chưa được ghi nhận. Nhiều người làm việc một cách thầm lặng, thậm chí không muốn ai biết tới và ghi nhận. Nhân dịp này, chung ta cần bày tỏ lời cảm ơn đối với những người còn chưa được ghi nhận hôm nay”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời thay mặt ngành Giáo dục bày tỏ trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân đã và đang chung sức, hỗ trợ cho ngành Giáo dục.

Tại hội nghị, 37 tập thể, 4 hộ gia đình và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023 được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Nhân dịp này, các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng tiếp tục có những đóng góp, ủng hộ, cam kết hỗ trợ thực hiện kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới. 

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer