Sự nguy hại của không khí ô nhiễm và cách làm sạch không khí trong nhà

Những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với ô nhiễm không khí là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có các bệnh nền, đặc biệt là bệnh tim, phổi.
30/12/2021 21:13

Tác động của ô nhiễm không khí đến hệ hô hấp 

Trong những ngày gần đây không khí tại Hà Nội ô nhiễm rất nặng nề. Các trạm quan trắc không khí đều cảnh báo về tác hại của các yếu tố ô nhiễm trong không khí lên sức khỏe. Có những ngày như ngày 15,16,17 tháng 12 năm 2021, không khí bị ô nhiễm tới mức rất nguy hại, thậm chí nguy hiểm khi hít không khí ngoài trời. Sáng ngày 17 tháng 12, chỉ số bụi mịn PM2 tại Hà Đông cao gấp trên 20 lần chỉ tiêu cho phép của Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo.

tac-dong-cua-o-nhiem-khong-khi

Các thành phần ô nhiễm trong không khí ảnh hưởng rất trầm trọng tới hệ hô hấp. Bụi thô PM10 khi hít vào có khả năng gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Bụi mịn PM2.5 là tác nhân ô nhiễm quan trọng nhất về mặt sức khoẻ do có khả năng lắng đọng, thẩm thẩu, di chuyển trong nhu mô phổi và mao mạch phổi, gây gia tăng các trường hợp nhập viện do bệnh hô hấp, tim mạch, hen suyễn… Các ô xít ni tơ (NOx) gây kích thích, rát niêm mạch mũi, mắt, tổn thương mô phổi, phù phổi, viêm vế quản, viêm phổi, gây thiếu máu do giảm khả năng vận chuyển ô xy của hồng cầu. SO2 ở nồng độ thấp gây sưng niêm mạc, kích thích niêm mạc, gây ho, ở nồng độ cao gây ho khó thở và có thể dẫn đến tử vong. SO2 còn có thể gây mưa a xít làm kích thích da, niêm mạc mắt. CO (khí các bon) là “kẻ giết người thầm lặng” (Sillent killer) do làm mất khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, là khí độc, ở liều thấp ảnh hưởng đến tim mạch và hệ thần kinh trung ương, gây đau đầu, buồn nôn, thiếu máu mãn tính. O3 (ozon) gây ảnh hưởng cấp tính như ho, kích thích niêm mạc mũi, họng, mắt và mãn tính gây tổn thương phổi không phục hồi.

Các kim loại nặng có trong không khí có thể hấp thụ vào máu, tích lũy trong cơ thê làm xuất hiện các biểu hiện nhiễm độc mãn tính, tổn thương các cơ quan như thận, tác động lên cơ quan thần kinh trung ương gây rối loạn hành vi, giảm tập trung. Thậm chí những hạt bụi siêu mịn có thể làm tổn thương cấu trúc ADN.

Những căn bệnh về đường hô hấp thường gặp do ô nhiễm không khí

Theo một nghiên cứu của GS Christopher J L Murray và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016, ô nhiễm không khí (trong đó có ô nhiễm bụi PM2,5) là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư. Những nguyên nhân chính gây tử vong do ô nhiễm không khí là đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp.

Những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với ô nhiễm không khí là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có các bệnh nền, đặc biệt là bệnh tim, phổi.

Những cách hiệu quả làm sạch không khí, tạo môi trường trong lành cho gia đình

Trong những ngày không khí bị ô nhiễm nặng theo cảnh báo của các trạm quan trắc không khí nên hạn chế ra đường, tập thể dục, thể thao ngoài trời, đặc biệt là vào lúc sáng sớm. Khi đi ra đường cần đeo khẩu trang. Những đối tượng người già, trẻ em, người bị bệnh hô hấp thì nên ở trong nhà. Các cửa sổ nên đóng kín để ngăn bụi bay vào, thường xuyên quyét dọn và lau chùi nhà cửa. Sử dụng hệ thống điều hòa lọc không khí loại có thể ngăn được bụi mịn.

Các gia đình có người già và trẻ em nằm ở khu vực ô nhiễm nặng nên mua máy lọc không khí trong nhà để thường xuyên làm sạch không khí. Nếu có điều kiện nên trồng nhiều cây xanh quanh nhà, trên ban công, sân thượng vì cây xanh có tác dụng làm sạch không khí rất hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer