Tác dụng làm đẹp bất ngờ từ ngải cứu

Ngải cứu không chỉ là một loại rau gia vị quen thuộc trong gia đình Việt mà nó còn có tác dụng như một vị thuốc bổ máu, giảm đau. Đặc biệt phải kể đến tác dụng làm đẹp, chữa một số bệnh ngoài da mà ít người biết tới.
25/02/2022 16:25
ngai

Ảnh minh họa

Ngải cứu là loại cây cỏ sống lâu năm, thân có rãnh dọc. Lá mọc so le không cuống, màu 2 mặt lá khác nhau, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm. Mặt dưới trắng tro, có nhiều lông nhỏ. Cây ngải cứu mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước, có thể trồng quanh nhà làm thuốc.

Lá ngải cứu phơi khô gọi là ngải diệp. Lá ngải cứu phơi khô cắt thành bột vụn rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung. Dùng tươi, rửa sạch giã, lọc lấy nước uống.

Theo kinh nghiệm Việt Nam ngải cứu rửa sạch, thái ngắn phơi khô. Khi dùng phải sao qua, tán bột bỏ xơ. Dùng tươi thì rửa sạch giã vắt lấy nước uống.

Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, cay, tính ấm, quy kinh can, tỳ, thận. Ngải cứu được dùng làm thuốc ôn khí huyết, trị tâm bụng lạnh đau, tiết tả, chuyển gân, lỵ lâu, nôn máu, máu cam, ỉa máu, kinh nguyệt không đều, băng lậu, khí hư, thai động không yên, ung nhọt lở loét, ngứa ghẻ.

Trong ngải cứu có nhiều tinh dầu và một số hoạt chất có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn của máu, cải thiện quá trình trao đổi chất nhờ đó giúp da được nuôi dưỡng tốt hơn và cung cấp đủ nước cho da.

Đặc biệt theo nghiên cứu, trong ngải cứu chứa hoạt chất Tanin – có tác dụng kháng viêm nhẹ, giúp ngăn ngừa sự xuất hiện mụn nước nhỏ, chữa bệnh chàm (eczema) và một số loại viêm da khác.

Với những làn da dầu nhờn, ngải cứu còn có tác dụng làm sạch, loại trừ các vị khuẩn bụi bẩn trên da nhờ tác dụng phân giải chất mỡ. Bảo vệ tốt đối với da khô nên phù hợp cho tất cả các loại da.

Bài thuốc làm đẹp từ ngải cứu phổ biến là dùng 50g ngải cứu khô đun sôi trong 1000ml nước, để sôi trong vòng 15-20 phút. Để nguội, sau đó dùng tấm vải sạch lọc kỹ lấy nước. Bảo quản ở ngăn mát trong lọ kín.

Buổi tối sau khi rửa mặt sạch có thể thoa nước ngải cứu đều lên mặt, hoặc thấm vào bông tẩy trang/mặt nạ giấy nén đắp lên da mặt hoặc những chỗ da sần sùi khoảng 4-5 phút. Sau đó có thể lau qua lại bằng nước sạch và bôi kem dưỡng ẩm.

Công dụng giúp Dưỡng da, chữa ngứa da, chàm và mụn nước. Lưu ý không nên sử dụng nếu da nhạy cảm, da dễ kích ứng hoặc nhiều mụn mủ, mụn viêm, trẻ nhỏ…

(Theo Laodong)

comment Bình luận

largeer