Tai nạn dây diều cứa vào cổ người đi đường: Hiện chưa có cơ quan nào cấp phép, quản lý việc thả diều

Thả diều là trò chơi dân gian lành mạnh của người dân Việt Nam được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên hiện nay, ngành y tế liên tiếp ghi nhận các vụ tai nạn do dây diều quấn vào cổ người đi đường gây tai nạn nguy hiểm. Trước thực trạng này, trách nhiệm của người thả diều như thế nào và các cơ quan chức năng cần có biện pháp gì để phòng tránh tình trạng này?
24/03/2021 09:46

Các vụ tai nạn nghiêm trọng do dây diều cứa cổ

Hiện nay, tại TP. HCM đang xảy ra vấn nạn, nhiều người thả diều ven đường quốc lộ khiến người đi đường liên tiếp gặp tai nạn. Đặc biệt, dây diều cứa vào cổ khiến nhiều người tổn thương, phải nhập viện cấp cứu, thậm chí có người tử vong.

Thực tế, đã có rất nhiều tai nạn thương tâm xảy ra ảnh hưởng tới sức khỏe và thẩm mỹ của người bị dây diều cứa cổ.

day dieu cua co

Người phụ nữ bị dây diều cứa vào cổ, phải nhập viện cấp cứu.

Mới đây, một người phụ nữ 32 tuổi, chạy xe máy ngang đại lộ Vòng Cung, quận 2, bị sợi dây diều rơi vướng ngang cổ, kéo khoảng 2m rồi ngã xuống đường. Vết cứa dài khoảng 12 cm gây chảy máu, khó thở, rất đau rát, chị cũng bị bong gân, trầy xước tay chân do ngã xe máy.

Tháng 10/2020, một người đàn ông 32 tuổi, đi xe máy buổi đêm vướng vào sợi dây diều đang được ai đó thả bên đường, mi trên mắt trái gần đứt rời, rách vách hốc mắt... Nạn nhân kể do trời tối, dây diều bằng cước trong, nên anh không nhìn thấy. Chiếc diều không có người giữ mà được thả bay tự do vắt ngang đường.

Hoặc một trường hợp khác cũng vướng vào dây diều khi đang tham gia giao thông. Một người đàn ông 56 tuổi cũng bị dây cắt ngang làm đứt hoàn toàn khí quản. Bác sĩ phẫu thuật cấp cứu, khâu nối lại các vị trí đứt lìa. Nếu tổn thương sâu hơn vài mm, trúng động mạch cảnh, bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng.

Trước các hậu quả nguy hiểm xảy ra, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người đi đường, những người thả diều liệu có phải chịu trách nhiệm gì không?

Người thả diều có thể phải chịu trách nhiệm hình sự 

Theo luật sư Vũ Quang Bá - Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Hiện nay, theo quy định pháp luật trò chơi thả diều chỉ được ghi nhận rải rác trong một số văn bản như Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định về các hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Trong đó, hành vi thả diều ở khu vực sân bay, khu vực cấm bị xem là hành vi bị cấm thực hiện. Người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Về lĩnh vực điện lực, có ghi nhận quy định về hành vi vi phạm quy định về an toàn điện tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi thả diều gây sự cố lưới điện người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài các quy định nêu trên, chưa có quy định nào khác điều chỉnh về việc thả diều.

ls ba

Luật sư Vũ Quang Bá - Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

"Thả diều là một trò chơi dân gian, bản thân người thả diều tôi cho rằng, không ai mong muốn và có suy nghĩ khi chơi sẽ dẫn đến thương tích cho người khác. Tuy nhiên, mặc dù hiện nay chưa có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh về trò chơi này. Nhưng người thả diều cần phải biết hoặc ý thức được những nơi mình thả diều như đường giao thông, khu vực đông người, dây diều hoàn toàn có thể bị mắc, vướng vào người đi đường khi con diều bị chao, liệng hoặc cắm đầu xuống. Người thả diều có thể vì quá tự tin hoặc cẩu thả nên cho rằng việc đó không xảy ra hoặc hoàn toàn có thể ngăn chặn được", luật sư cho biết..

Do dây diều thường sẽ rất mảnh, sắc nên khi vướng, mắc vào người đi đường, với lực gió của con diều hoàn toàn có thể dẫn đến thương tích. Ngay bản thân người thả diều, nếu khi thả diều không chú ý cũng sẽ bị đứt tay khi “tời” dây diều cho bay cao.

"Do đó, theo quan điểm của tôi, trong một số trường hợp dây diều vướng, mắc vào người đi đường dẫn tới tai nạn giao thông hoặc gây thương tích cho người khác, thì người thả diều được xác định có lỗi vô ý. Từ đó, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015.

Đối với các trường hợp thả diều tại các khu vực cấm, mà dẫn tới tai nạn cho người khác thì ngoài việc bồi thường thiệt hại, người thả diều còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, luật sư Đỗ Phan Nam - Công ty Luật TNHH Tâm Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng đưa ra quan điểm của mình. Theo luật sư, việc thả diều có thể là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Việc thả diều ven đường quốc lộ làm mất an toàn giao thông thì bị xử phạt hành chính về hành vi thả diều gây cản trở, mất an toàn giao thông theo quy định tại Nghị định 100/2019/ND-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Khi thả diều gây tai nạn cho người tham gia giao thông thì tùy vào tính chất mức độ thiệt hại của người thả diều gây ra và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, về trách nhiệm dân sự, người gây tai nạn giao thông sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường, đối với trường hợp gây thiệt hại về tài sản của người khác thì phải bồi thường tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, dựa trên giám định thực tế mức độ thiệt hại.

Trong trường hợp người gây tai nạn giao thông là người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi thì trách nhiệm bồi thường sẽ do chính người đó thực hiện bằng tài sản của mình, nếu không có tài sản thì cha mẹ người đó sẽ phải bồi thường phần còn thiếu.

Về trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 290, 299, 303 và 304 của BLHS.

Không có cơ quan nào cấp phép việc thả diều

ls huy tuan

Luật sư Trần Huy Tuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, luật sư Trần Huy Tuấn - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết ngoài phạm vi các quy định trong các Nghị định Nghị định 167/2013/NĐ-CP và Nghị định 134/2013/NĐ-CP về cấm thả diều khu vực sân bay hay về lĩnh vực điện lực quy thì việc thả diều không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Tuấn: "Thời gian qua, tôi cũng từng nghe qua một số sự kiện hy hữu về việc người dân thả diều gây ra chết người do cánh diều lớn khiến sức của nó mạnh, làm dây diều quấn vào cổ người đi đường gây ra chết người. Ở trường hợp này, việc người thả diều không may để dây diều quấn người khác là một tai nạn hy hữu, là sự cố không mong muốn. Hiện tại, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể nào trong việc quản lý, kiểm soát việc thả diều cũng như trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham gia thả diều. Và thực tế từ xưa tới nay, chưa ai nghe thấy việc thả diều là phải xin phép và phải được cấp phép. Mà việc cấp phép hay không cấp phép cũng không thể là biện pháp để khắc phục hay chứng minh hạn chế được tai nạn".

Theo đó, vấn đề là các cơ quan chính quyền địa phương cần khuyến cáo người dân cũng như bản thân những người tham gia thả diều cần tự ý thức việc thận trọng, chấp hành đúng các quy tắc liên quan để hạn chế các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Không thả diều lớn tại các khu công cộng hoặc lề đường gây cản trở giao thông và có khả năng gây nguy hiểm cho người dân. Qua sự việc trên, có thể thấy việc thả những con diều lớn và tại những nơi đông người, nhất là có trẻ em,... là vô cùng nguy hiểm.

Chỉ trường hợp khi nào cơ quan điều tra chứng minh rằng người thả diều ý thức được việc thả những con diều lớn tại nơi đông người và có khả năng gây nguy hiểm nhưng vẫn chủ quan để xảy ra hậu quả đáng tiếc thì mới áp dụng hành vi của tội "vô ý làm chết người", bởi tội vô ý làm chết người chỉ bị xử lý khi người thực hiện hành vi đó biết rõ việc thả những con diều lớn của mình tại nơi có thể làm chết người nhưng do chủ quan hoặc cẩu thả đã thực hiện. Tuy nhiên, để chứng minh được lỗi để cấu thành tội phạm thì rất khó, vì không ai muốn hậu quả đáng tiếc xảy ra, và cũng không ai cố ý, cũng không phải cứ việc thả diều nào thì sự cố cũng sẽ xảy ra.

 Thùy Dương

comment Bình luận

largeer