Tại sao ăn no lại cảm thấy buồn ngủ?

Nếu chú ý quan sát, chúng ta sẽ tự cảm nhận thấy mỗi lần ăn no xong cơ thể đều rất uể oải và luôn có cảm giác buồn ngủ.
30/12/2020 15:42

Trả lời trên báo chí, Tiến sĩ Tomonori Kishino, giáo sư khoa học sức khỏe tại Đại học Kyorin, Nhật Bản, cho biết hai bộ phận tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong cơ thể con người là não bộ và ruột. Sau khi ăn xong, năng lượng trong cơ thể con người sẽ được dồn xuống hệ tiêu hóa. Khối lượng lớn máu được đẩy xuống dạ dày để co bóp, thúc đẩy quá trình tiêu hóa nên lượng máu lên não bộ và các cơ quan khác sẽ bị giảm đi. Đây là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng buồn ngủ sau khi ăn no.

Cơn buồn ngủ sẽ nghiêm trọng hơn nếu chúng ta ăn các món có nhiều chất ngọt và tinh bột. Do thức ăn đi xuống ruột nhanh, nồng độ chất insulin tăng lên cao khiến lượng đường trong máu hạ thấp. Thức ăn ngọt và tinh bột kích thích não sản xuất một lượng lớn chất dẫn truyền thần kinh serotonin khiến ta cảm thấy buồn ngủ.

an xong nam ngu

Hình minh họa.

Một nghiên cứu nhỏ năm 2018 về các tài xế xe tải cho thấy những người ăn chế độ ăn nhiều rau và chất béo từ thực phẩm như dầu ô liu và sữa có xu hướng ít buồn ngủ sau bữa ăn hơn những người ăn chế độ ăn "phương Tây" nhiều thịt, đồ ăn nhanh và nước ngọt. 

Do đó, các nhà nhà khoa học cho rằng, những người có chế độ ăn uống lành mạnh sẽ có những cơn buồn ngủ thấp sau ăn.

Cơn buồn ngủ sau bữa ăn còn được giới khoa học gọi với cái tên khác là "hôn mê thức ăn". 

Một số chuyên gia đã đưa ra giả thuyết rằng động vật - bao gồm cả con người - đã tích hợp sẵn "tín hiệu cảnh giác" giúp chúng/họ tỉnh táo khi đói. Những tín hiệu này giúp họ định vị và thu nhận thức ăn. Theo sau đó, khi con vật (hoặc con người) đã ăn nhiều, những tín hiệu cảnh giác này sẽ tiêu tan và được thay thế bằng cảm giác mệt mỏi.

Chính vì ăn xong thường buồn ngủ nên dân gian có câu "căng da bụng, trùng da mắt". Và nhiều người khó có thể cưỡng được cơn buồn ngủ sau mỗi bữa ăn nên thường nằm ngủ luôn. Đặc biệt là buổi trưa, đối với dân văn phòng đi làm, họ sẽ tranh thủ từng phút để được nghỉ ngơi, ngủ trưa do đó, ăn xong sẽ đi ngủ luôn.

Tuy nhiên, thói quen này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Theo các chuyên gia sức khỏe cho biết, việc nằm liền sau khi ăn xong có thể mang lại nhiều tác hại đối với sức khỏe, đặc biệt là dạ dày. Việc ăn xong nằm thường khiến dạ dày căng to và khiến cơ hoành bị chèn ép. Từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động của hệ tiêu hóa. Lúc này, chức năng hoạt động của dạ dày suy giảm khiến thức ăn không được tiêu hóa hết dẫn đến tích khí, gây chướng bụng và ợ hơi. Nếu thói quen này duy trì trong thời gian dài có thể là nguyên nhân gây đau dạ dày, trào ngược dạ dày và một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa khác.

Do vậy, để tốt nhất, sau khi ăn xong, chúng ta nên ngồi hoặc thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng từ 45 phút đến 1 tiếng rồi bắt đầu nằm ngủ. Theo bác sĩ Steven Park thuộc Đại học Y New York (Hoa Kỳ) cho biết, việc nằm ngủ đúng tư thế sẽ giúp bạn tránh các vấn đề tiêu cực liên quan đến sức khỏe. Nếu ngủ sai tư thế, các bạn có thể gặp phải các vấn đề như đau đầu, ợ chua, mệt mỏi hoặc đau lưng. Do đó, bạn nên chọn tư thế ngủ phù hợp nhất để cải thiện giấc ngủ và hạn chế các triệu chứng khó chịu này.

Thông thường, nằm ngửa được xem là tư thế tốt đối với những người bị chứng đau lưng, đồng thời giúp ngăn ngừa acid dạ dày trào ngược. Ngoài ra, tư thế nằm nghiêng sang trái được xem là tư thế ngủ lý tưởng nhất, giúp cơ quan nội tạng không bị chèn ép. Từ đó, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, hạn chế tình trạng trào ngược dịch vị, gây ợ nóng hoặc đau rát ở dạ dày, vùng thượng vị. Đồng thời, ngủ nghiêng sang trái sau khi ăn sẽ giúp cơ thể có nhiều thời gian loại bỏ độc tố qua hạch bạch huyết và ống ngực.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer