Thái Lan phẫu thuật thành công cho người mắc hội chứng Tourette

Các bác sĩ Viện Thần kinh - Cục Dịch vụ Y tế đã phẫu thuật thành công bằng kỹ thuật kích thích não sâu, mở ra hy vọng điều trị hiệu quả cho người mắc Tourette.
23/07/2025 13:42

Ca phẫu thuật điều trị Tourette đầu tiên tại châu Á

Thái Lan vừa ghi dấu mốc y học quan trọng khi thực hiện thành công ca phẫu thuật kích thích não sâu (Deep Brain Stimulation - DBS) đầu tiên để điều trị hội chứng Tourette. 

Bệnh nhân Trin Liangsakul, mắc Tourette từ nhỏ với các biểu hiện vận động ngày càng nghiêm trọng, đã được chỉ định can thiệp sau quá trình đánh giá tại Viện Thần kinh. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật DBS được áp dụng cho bệnh Tourette tại châu Á, mở ra hy vọng mới trong điều trị rối loạn thần kinh phức tạp.

Empty

Bệnh nhân được can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu (Deep Brain Stimulation - DBS) nhằm kiểm soát các triệu chứng vận động. (Ảnh: National Thailand)

Ca phẫu thuật được tiến hành ngày 27/3/2025, kéo dài 6 giờ với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh hàng đầu. Bác sĩ Teeradej Srikitwilaikul cho biết vị trí cấy điện cực trong ca Tourette này khác biệt đáng kể so với các ca DBS thông thường, đòi hỏi phải điều chỉnh chiến lược can thiệp phù hợp.

Kỹ thuật DBS cần phối hợp đa chuyên khoa do việc xác định chính xác vị trí cấy thiết bị trong não rất phức tạp. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ liên tục theo dõi sóng não để đảm bảo hiệu quả kích thích tối ưu. Thiết bị sau khi cấy sẽ phát xung điện đến vùng não liên quan, giúp kiểm soát các triệu chứng vận động. Bệnh nhân cần tái khám định kỳ và thay pin thiết bị sau khoảng 10 năm.

Dù không thể chữa khỏi Tourette, DBS mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm triệu chứng, cải thiện vận động và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Empty

 Các bác sĩ và chuyên gia liên tục theo dõi hoạt động sóng não của bệnh nhân để đảm bảo vị trí kích thích tối ưu (Ảnh: National Thailand)

Phẫu thuật Tourette giúp bệnh nhân cải thiện 70%, mở ra hy vọng điều trị mới

Sau phẫu thuật, bệnh nhân không gặp biến chứng nhưng được theo dõi chặt chẽ trong hai tháng để điều chỉnh thông số kích thích điện não. Các triệu chứng vận động và âm thanh bất thường giảm dần, giúp người bệnh có thể đứng yên ổn định với mức cải thiện khoảng 70%.

Tiến sĩ Taweesilp Visanuyothin, Tổng Cục trưởng Cục Dịch vụ Y tế Thái Lan, nhận định kết quả này cho thấy tiềm năng của phương pháp kích thích não sâu (DBS) trong kiểm soát hội chứng Tourette nặng. Ông cho biết, hội chứng Tourette ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số Thái Lan (tương đương 700.000 người), trong đó 10% có triệu chứng nghiêm trọng, gây khó khăn trong học tập, việc làm và hòa nhập xã hội.

DBS không chữa khỏi bệnh, nhưng mang lại cải thiện rõ rệt về khả năng vận động, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người bệnh Tourette.

Empty

 Đội ngũ bác sĩ Viện Thần kinh thuộc Cục Dịch vụ Y tế Thái Lan kỳ vọng phương pháp DBS có thể mang lại giải pháp điều trị cho các trường hợp tình trạng Tourette nặng và khó kiểm soát (Ảnh: National Thailand)

Tiến sĩ, bác sĩ Napa Siriwiwattanakul - Giám đốc Viện Thần kinh Thái Lan cho biết, viện đặt mục tiêu thực hiện phẫu thuật kích thích não sâu (DBS) cho khoảng 10 bệnh nhân rối loạn vận động mỗi năm, đồng thời cam kết cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện, từ chuyên môn điều trị đến theo dõi hậu phẫu dài hạn.

Hội chứng Tourette là rối loạn thần kinh phức tạp, có thể liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường, hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Do chưa có xét nghiệm sinh học đặc hiệu, việc chẩn đoán chủ yếu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng như động tác hoặc âm thanh lặp đi lặp lại không kiểm soát (tic).

Các chuyên gia khuyến cáo người có biểu hiện tic tăng dần, ảnh hưởng sinh hoạt nên khám sớm để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Thảo Nguyên (Dịch)

comment Bình luận