Thanh Hóa chủ động phòng chống dịch bệnh những tháng cuối năm

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, các địa phương tại Thanh Hóa đã phân công lực lượng triển khai giám sát dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, hóa chất nhằm ứng phó kịp thời, dập tắt các ổ dịch ngay khi mới bắt đầu.
04/11/2024 07:15

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng mưa, lũ đã xảy ra tình trạng gia súc gia cầm bị cuốn trôi, môi trường bị ảnh hưởng... khiến nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan rất cao.

Bên cạnh đó, cuối năm là dịp nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp tại các địa phương trên cả nước, trong đó có các tỉnh tiếp giáp với Thanh Hóa như Sơn La, Hòa Bình...

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

Các địa phương đã rà soát tổng đàn để quản lý công tác tiêm phòng. Bên cạnh đó, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất... nhất là đối với các trang trại lợn cần kiểm soát chặt chẽ nhân công ra vào khu nuôi, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo, những tháng cuối năm, cùng với việc hoàn thành công tác tiêm phòng đợt 2, người chăn nuôi cần tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm.

Nhất là đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương cần chú trọng phân công lực lượng triển khai giám sát dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, hóa chất sát trùng, vôi bột... để ứng phó kịp thời, dập tắt các ổ dịch ngay khi mới xảy ra trong diện hẹp; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc-xin, không bán chạy, vận chuyển gia súc gia cầm và sản phẩm bị bệnh.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch bệnh động vật đã cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 khá cao, do giám sát cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở nhiều địa phương.Tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao, chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế. Mặt khác, thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer