Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển y học cổ truyền

Tỉnh Thanh Hóa đã kiện toàn mạng lưới tổ chức hội đông y từ tỉnh đến cơ sở, gồm hội đông y cấp tỉnh, 24/27 hội đông y cấp huyện, 349/559 hội đông y cấp xã, với 2.790 hội viên…
24/10/2023 14:00
Vườn thuốc nam tại Trạm Y tế xã Mỹ Lộc, huyệ Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Vườn thuốc nam tại Trạm Y tế xã Mỹ Lộc, huyệ Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Để tiếp tục phát huy vai trò của đông y trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về y học cổ truyền và hệ thống quản lý khám, chữa bệnh y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường đào tạo cán bộ y tế về y học cổ truyền, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh y học cổ truyền trong các cơ sở y tế công lập theo hướng kết hợp y học hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật mới về y dược cổ truyền. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vừa túi tiền trong mọi lĩnh vực của đông y. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa đông y nhằm phát huy tiềm năng của đông y phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Hiện nay, Thanh Hóa đã kiện toàn mạng lưới tổ chức hội đông y từ tỉnh đến cơ sở, gồm hội đông y cấp tỉnh; 24/27 hội đông y cấp huyện; 349/559 hội đông y cấp xã, với 2.790 hội viên. Hầu hết các hội đông y từ tỉnh hội đến hội cơ sở có sự kết hợp chặt chẽ với y tế Nhà nước trong các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, bảo vệ môi trường, kế hoạch hóa gia đình, quản lý hành nghề chuyên môn.

Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Hội Đông y tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung cơ bản của chỉ thị tới cán bộ, hội viên; phối hợp với các huyện mở được các lớp học tại tỉnh hội và hội cơ sở để nâng cao trình độ chuyên môn cho hàng trăm người có nhu cầu làm nghề y học cổ truyền.

Hằng năm, Hội Đông y tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với ngành y tế thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền về vệ sinh môi trường, kế hoạch hóa gia đình, quản lý hành nghề chuyên môn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh của các phòng chẩn trị trong tỉnh cũng từng bước được đầu tư, bổ sung, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Ngoài phòng chẩn trị đóng tại tỉnh hội, hầu hết các hội đông y trong tỉnh đều có phòng chẩn trị để vừa khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân, vừa ứng dụng, kế thừa bài thuốc hay, cây thuốc quý cổ truyền..., thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh đến khám và điều trị bằng phương pháp đông y. Đến nay, có 103 bài thuốc gia truyền có giá trị do các lương y cống hiến đang được áp dụng trong khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bà Lê Thị Chinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thanh Hóa cho biết, hằng năm, tỉnh hội mở lớp bồi dưỡng chuyên môn đông y tại văn phòng tỉnh hội cho cán bộ, hội viên, cán bộ y tế có nhu cầu học; kết hợp với Trường Trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa để đào tạo nhiều lớp y sĩ y học cổ truyền; mở các lớp đào tạo cấp chứng chỉ lương y theo quy định và cập nhật kiến thức cho đội ngũ lương y trên địa bàn khi có nhu cầu. Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh là đơn vị đầu mối tuyến tỉnh đã tổ chức đào tạo liên tục về y học cổ truyền đối với nhân viên y tế đang làm y dược cổ truyền tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer