Thanh Hóa: Giết mổ gia cầm gây ô nhiễm khu dân cư

Sống giữa lòng thành phố Thanh Hóa, nhưng hàng chục hộ dân ở mặt bằng 2155, phường Đông Vệ đang phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ các cơ sở giết mổ gia cầm trái phép. Người dân đã gửi kiến nghị đến chính quyền địa phương nhiều lần, song đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
25/10/2023 14:25
Điểm giết mổ gia cầm trái phép tại khu dân cư mặt bằng 2155, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa

Cơ sở giết mổ gia cầm trái phép tại khu dân cư mặt bằng 2155, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa

Ô nhiễm giữa lòng thành phố

Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân thuộc mặt bằng 2155, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa không khỏi bức xúc khi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở nuôi nhốt, giết mổ gia cầm trong khu dân cư. Tại đây, có 4 ki ốt thường xuyên nuôi nhốt, giết mổ gia cầm sống, bất chấp sự phản đối của người dân trong suốt thời gian qua.

Chỉ ra lô 54, mặt bằng 2155, anh Đ.C.G. đang sinh sống tại mặt bằng này cho biết, gia đình anh cùng các hộ dân tại khu phố rất bức xúc khi phải sống trong ô nhiễm nhiều năm. “Có một gia đình mua lô đất 54, mặt bằng 2155 liền kề với các hộ chúng tôi. Họ làm nhà tạm, không có công trình vệ sinh, rồi cho một số người đến buôn bán, chăn thả, giết mổ gia cầm làm ô nhiễm môi trường. Toàn bộ phân gà, vịt, một phần nội tạng trong quá trình giết mổ gia cầm thải trực tiếp xuống cống thoát nước của khu dân cư. Cùng với đó là các xe chở rác của chợ Đông Vệ tập kết tại đây làm bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường không khí, tắc cống thoát nước, xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra bệnh tật cho người dân sống trên địa bàn”, anh G. bức xúc nói.

Các chủ ki-ốt giết mổ gia cầm sống ngay trong khu dân cư (Hình ảnh được phóng viên ghi nhận chiều 18/10/2023)

Các chủ ki-ốt giết mổ gia cầm sống ngay trong khu dân cư (Hình ảnh được phóng viên ghi nhận chiều ngày 18/10/2023)

Theo người dân sống tại mặt bằng 2155, sở dĩ xuất hiện tình trạng ô nhiễm là do các hộ kinh doanh gia cầm này không hề được cấp phép giết mổ nhưng đã ngang nhiên giết mổ gia cầm trong ki ốt. Nước thải, rác thải từ điểm giết mổ gần như không được xử lý, xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước khu phố, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

Xác nhận tình trạng trên, một lãnh đạo phường Đông Vệ cho biết, thông tin người dân phản ánh về thực trạng ô nhiễm môi trường do các hộ kinh doanh gia cầm tại mặt bằng 2155 là có cơ sở.

“Thông tin người dân phản ánh về thực trạng đó là có, sau khi nhận thông tin phản ánh tôi đã cho anh em xuống kiểm tra ngay. Quan điểm của tôi, việc kinh doanh gà vịt như vậy là rất ảnh hưởng. Khu đất đông dân cư, mà để kinh doanh gà, vịt gây mất mỹ quan, ảnh hưởng môi trường sống như vậ, bản thân tôi cũng thấy rất khó chịu. Phường đang tìm phương án phù hợp với các hộ, cương quyết không để tình trạng hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng môi trường trong khu dân cư. Trước mắt tôi yêu cầu cán bộ phường tiếp tục theo dõi, thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện tình trạng giết mổ tại các cơ sở sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, vị lãnh đạo phường khẳng định.

Cần xử lý dứt điểm tình trạng giết mổ trái phép

Được biết, sau nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương, nhưng chưa được xử lý thỏa đáng. Cực chẳng đã, nhiều hộ dân sống tại mặt bằng 2155 đã phản ánh tình trạng ô nhiễm tại nơi sinh sống qua đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngay sau đó, ngày 3/10/2023, UBND thành phố Thanh Hóa đã có văn bản số 6348/UBND-KT trả lời về việc này.

Các cơ sở này ngang nhiên giết mổ gia cầm trái phép, phớt lờ chỉ đạo của UBND thành phố Thanh Hóa (Hình ảnh được phóng viên ghi nhận chiều 18/10/2023)

Các cơ sở này ngang nhiên giết mổ gia cầm trái phép, phớt lờ chỉ đạo của UBND thành phố Thanh Hóa (Hình ảnh được phóng viên ghi nhận chiều ngày 18/10/2023)

Theo đó, UBND thành phố Thanh Hóa nhận được Công văn số 9089/STNMT-BVMT ngày 30/9/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa về việc giải quyết phản ánh qua đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, phường Đông Vệ xác minh làm rõ phản ánh qua đường dây nóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường với nội dung: “Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm, lưu giữ rác thải, chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép, xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Người dân phản ánh đến chính quyền địa phương và thành phố, nhưng không được xử lý. Địa chỉ gây ô nhiễm tại lô 54, mặt bằng 2155 phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa”.

Sau khi kiểm tra, UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, tháng 8/2023, đơn vị này nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân sinh sống tại mặt bằng 2155, phường Đông Vệ về “Vấn đề mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường đối với các hộ gia đình sống gần khu vực chợ Đông Vệ”. UBND thành phố đã chỉ đạo, giao UBND phường Đông Vệ phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý.

Ngay sau đó, UBND phường Đông Vệ đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh, yêu cầu các hộ kinh doanh gia cầm sống tại Lô 54, mặt bằng 2155 dừng hoạt động giết mổ tại khu vực kinh doanh.

Báo cáo kết quả thực hiện tại Công văn số 731/UBND-ĐCXD của UBND phường Đông Vệ cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, địa chỉ Lô 54, mặt bằng 2155, phường Đông Vệ có 4 cơ sở đang hoạt động kinh doanh gia cầm sống, gồm cơ sở bà Lê Thị Dung, Lại Thị Lan Anh, Nguyễn Thị Hải, Lê Thị Tuyết. Thời điểm kiểm tra không có hoạt động giết mổ tại cơ sở.

Nhiều lồng chứa gia cầm nằm ngổn ngang trên đường giao thông nội khu, ngay bên cạnh là chất thải sau khi giết, mổ

Nhiều lồng chứa gia cầm nằm ngổn ngang trên đường giao thông nội khu, ngay bên cạnh là chất thải sau khi giết, mổ

Về vệ sinh, môi trường, qua kiểm tra phát hiện chất thải gia cầm còn rơi vãi trên nền nhà của khu vực kinh doanh; Chưa đầy đủ dụng cụ thu gom chất thải, chưa xử lý mùi hôi từ khu vực nhốt gia cầm; Chưa có dụng cụ lót, che mặt dưới của lồng nhốt gia cầm để thu gom chất thải.

Để khắc phục những tồn tại, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực, UBND thành phố Thanh Hóa đã yêu cầu phường Đông Vệ thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh, xử lý, thu gom rác thải của các cơ sở kinh doanh gia cầm sống trên địa bàn, đặc biệt 4 cơ sở tại Lô 54, mặt bằng 2155; xử lý nghiêm, dừng hoạt động nếu cơ sở tổ chức hoạt động giết mổ.

Sau khi biết được nội dung chỉ đạo của UBND thành phố Thanh Hóa, nhiều hộ dân sinh sống tại mặt bằng 2155 vẫn tỏ ra bức xúc. Theo họ, nội dung văn bản UBND thành phố Thanh Hóa yêu cầu xử lý nghiêm, dừng hoạt động nếu cơ sở tổ chức hoạt động giết mổ. Trong khi thực tế, các cơ sở trên vẫn ngang nhiên giết mổ, xả thải ra môi trường hằng ngày, nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý. Các hộ dân nơi đây mong mỏi sự sát sao, quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer