Thanh Hóa: Nâng cao nhận thức người dân về khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Việc tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh góp phần chăm sóc tốt sức khỏe phụ nữ mang thai, giúp nhiều trẻ em ở Thanh Hóa được ra đời khỏe mạnh.
16/10/2024 08:59
Thai phụ khám sàng lọc trước sinh tại Thanh Hóa

Thai phụ khám sàng lọc trước sinh tại Thanh Hóa

Thời gian qua, Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tại 27 huyện, thị xã, thành phố. Đơn vị đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích khi thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, vận động phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai thực hiện tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức truyền thông cung cấp thông tin về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi truyền thông, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai đã được cung cấp những kiến thức về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những lưu ý về chế độ ăn uống hợp lý trong quá trình mang thai...

Từ đó giúp nhiều trẻ sinh ra tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh như down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim, thiếu men G6PD gây biến chứng vàng da, thần kinh, suy tuyến giáp trạng bẩm sinh và tăng sản thượng thận bẩm sinh...

Chị N.T.N., trú tại thành phố Thanh Hoá cho biết: “Tiếp cận được nội dung cán bộ Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa tư vấn, tuyên truyền trên internet, tôi hiểu thêm tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tôi luôn tuân thủ lịch khám theo khuyến cáo của bác sĩ để tầm soát, phát hiện các bất thường nhằm bảo đảm cho bé sinh ra được khỏe mạnh. Sau khi con chào đời, tôi cũng sẽ cho làm xét nghiệm máu gót chân để sàng lọc sau sinh”.

Còn chị M.T.H.Y., trú huyện Yên Định, hiện đang mang thai tháng thứ 8 cho hay: “Sau khi được tập huấn ở trung tâm y tế huyện, tôi nghĩ bất kể người mẹ nào khi mang thai đều mong muốn con sinh ra được khỏe mạnh. Qua kiểm tra định kỳ, dù thai nhi phát triển tốt, chưa có phát hiện gì về bệnh tật nhưng tôi và chồng quyết định khi bé sinh ra sẽ lấy máu gót chân để sàng lọc nhằm phát hiện, điều trị sớm các loại bệnh”.

Nhiều bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá cũng nhận định, trước kia, phần lớn phụ nữ mang thai mỗi khi đến bệnh viện khám, siêu âm thai chỉ quan tâm đến giới tính, cân nặng của con chứ ít ai nhờ bác sĩ đo độ mờ da gáy, kiểm tra nhiễm sắc thể di truyền để xem thai nhi có bị dị tật bẩm sinh, bị tim bẩm sinh hay không. Khi đời sống phát triển, người dân dần quan tâm đến sàng lọc trước sinh và sơ sinh hơn, điều này giúp phát hiện sớm các bất thường bẩm sinh, giúp trẻ được chẩn đoán, điều trị sớm từ giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ và ngay sau khi ra đời, tránh được những hậu quả nặng nề của bệnh, cải thiện tương lai phát triển của trẻ.

Theo Dược sỹ CKII Bùi Hồng Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thanh Hóa, việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh rất quan trọng, giúp tầm soát sớm các dị tật, từ đó chẩn đoán và đưa ra các biện pháp tư vấn cho người mẹ để kịp thời can thiệp, điều trị sớm những bất thường của trẻ. Do đó, thời gian qua, đơn vị hết sức chú trọng việc tuyên truyền về hoạt động này, đây cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng dân số.

“Trình độ và sự nhận thức của người mẹ là yếu tố quan trọng quyết định đến nguy cơ của thai nhi bị dị tật. Có những trường hợp dù được bác sĩ tư vấn rất nhiều lần nhưng vẫn không chịu thay đổi hành vi. Điều quan trọng nhất là các sản phụ cần có kiến thức tốt về thai nghén và thái độ đúng đắn trong sàng lọc. Đặc biệt, cần nâng cao kiến thức và thái độ của người dân, cộng đồng về việc khám sức khỏe của mình và trách nhiệm với cả những đứa trẻ sẽ được sinh ra”, ông Thủy cho hay.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer