Thanh Hóa: Trái ngọt từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” của huyện Nga Sơn

Sau hơn 4 năm triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP", đến nay, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã có 27 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 9 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm đang trình xét công nhận 5 sao cấp Quốc gia. Với kết quả này, Nga Sơn hiện đang là đơn vị dẫn đầu tỉnh Thanh Hoá về số lượng sản phẩm OCOP.
27/03/2023 17:12

Ngay từ khi bắt đầu triển khai, huyện Nga Sơn đã ban hành Kế hoạch chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030; đồng thời, xây dựng mục tiêu cụ thể từng năm để thực hiện. Huyện luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn chương trình OCOP cho các đơn vị, chủ thể sản xuất trên địa bàn; tổ chức cho các chủ thể đăng ký đi tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Huyện phối hợp với các đơn vị tư vấn Trung ương để lựa chọn ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình, trên cơ sở phát huy thế mạnh các nhóm hàng hóa đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, Nga Sơn cũng đã lồng ghép các chương trình để hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị, chủ thể phát triển kinh tế, tham gia xây dựng sản phẩm OCOP như: hỗ trợ xây dựng nhà kính, nhà lưới 70 triệu đồng với quy mô 1000m2; hỗ trợ mua máy dệt chiếu, máy xe lõi phát triển tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên mở rộng quy mô đất đai cho các đơn vị sản xuất; hỗ trợ kinh phí làm nhãn mác, bao bì sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ; hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện… Đồng thời, huyện cũng tiến hành rà soát lại hoạt động của các làng nghề, nghề truyền thống để duy trì kế hoạch và phát triển. Huyện cũng đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để đa dạng hóa về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.

636553753

Có nhiều sản phẩm độc đáo từ chính cây cói quê nhà, huyện Nga Sơn đã vận động để phía doanh nghiệp này đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP

Thông qua việc tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Nga Sơn đã đạt được những kết quả tích cực. Trên địa bàn huyện hiện có 23 làng nghề được UBND tỉnh công nhận gồm 20 làng nghề chiếu cói truyền thống, 1 làng nghề mây tre đan và 2 làng nghề nấu rượu. Các làng nghề đã thu hút 23 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nghề tiểu thủ công nghiệp, toàn huyện cũng có hơn 15.000 hộ cá thể sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Trong số những doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nghề tiểu thủ công nghiệp, đã có nhiều đơn vị không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

28752

Nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của huyện Nga Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài 

Với huyện Nga Sơn, nhiệm vụ tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn trong xây dựng nông thôn mới được chú trọng. Những năm qua huyện đã gặt hái nhiều thành công nhờ các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trên địa bàn, mà điển hình là Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đang giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động. Phần lớn hàng thủ công mỹ nghệ của công ty đều được xuất đi thị trường Hoa Kỳ. Mỗi tháng đều đặn khoảng 50 container hàng thủ công mỹ nghệ từ cói và bèo tây của công ty được chở đi Cảng Hải Phòng để đưa sang thị trường khó tính bậc nhất thế giới bằng đường biển. Tại nước bạn, 4 doanh nghiệp lớn đã phân phối để đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ huyện Nga Sơn đến khách hàng tại hệ thống 64 siêu thị. Hiện nay, Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh được đánh giá là 1 trong 20 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tốt nhất Việt Nam. Có nhiều sản phẩm độc đáo từ chính cây cói quê nhà, huyện Nga Sơn đã vận động để phía doanh nghiệp này đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP. Từ năm 2020 đến nay công ty tích cực tham gia và lần lượt có 5 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn OCOP. Xét thấy có tiềm năng và đã được xuất khẩu bền vững, UBND tỉnh cũng vừa có văn bản đề nghị Trung ương xét chọn 3 sản phẩm của công ty gồm: Bình cói Nga Sơn, Đĩa cói Nga Sơn và Rổ cói Nga Sơn thành sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia. Sự lớn mạnh và những chiến lược đưa hàng thủ công mỹ nghệ sang Hoa Kỳ thành công của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đã góp phần đồng hành với Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh. Đây cũng là doanh nghiệp có số sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh với 5 sản phẩm...

Ngoài ra, huyện Nga Sơn còn phối hợp với Văn phòng điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh và một số đơn vị liên quan hỗ trợ mở 2 cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và những sản phẩm thế mạnh của địa phương, trong đó nổi tiếng là cửa hàng bán các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo tự nghiên cứu nuôi trồng của anh Nguyễn Văn Tuấn tại thị trấn Nga Sơn.

1 (1)

Mô hình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Văn Tuấn được hỗ trợ để mở cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương

Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" của huyện Nga Sơn đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Năm 2023, huyện Nga Sơn đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh; nâng hạng 1 sản phẩm đạt 5 sao OCOP Quốc gia.

                                                        Trang Nguyễn

comment Bình luận

largeer