Thanh long giúp thanh nhiệt, điều trị lao phổi và táo bón

Theo y học cổ truyền, thanh long có vị ngọt dịu, tính mát, hơi hàn, có tác dụng giải khát, giải nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng. Do đó, thanh long rất thích hợp với những người tiểu đường, hay bị táo bón hoặc nổi rôm sẩy.
06/11/2023 07:25

Đặc điểm

Thanh long (tên khoa học: Hylocereus undatus, thuộc họ Xương rồng: Cactaceae) còn có các tên gọi khác như: Tường liên, cây lòng chảo,…

Thanh long là dây leo bằng thân với các lá tiêu giảm thành gai, có rễ phụ cùng thân bám vào giá đỡ và hút chất dinh dưỡng. Thân thanh long màu xanh, có tiết diện với 3 cạnh dẹp và rìa mép lượn sóng, có gai ở các khớp sóng. Hoa thanh long to hơn bàn tay, có màu trắng hoặc vàng nhạt và các cánh rất mềm, nhanh nở nhanh tàn, khi nở to bung xòe rất đẹp.

Quả thanh long có vỏ dày mềm, màu đỏ với những tua quả như vảy, chứa nhiều thịt trắng. Thịt quả có vị chua ngọt (càng chín càng ngọt phao) và có rất nhiều hạt nhỏ màu đen len lõi đều khắp thịt quả, do vậy, hạt thanh long được ăn cùng với thịt quả mặc dù chúng không được tiêu hóa. Quả thanh long thường được ăn tươi, dầm nước đá, làm nước ép hay rượu.

Thanh long giúp thanh nhiệt, điều trị lao phổi và táo bón. Ảnh: Caythuoc.org

Thanh long giúp thanh nhiệt, điều trị lao phổi và táo bón. Ảnh: Caythuoc.org

Giá trị dinh dưỡng và làm thuốc của quả thanh long

Quả thanh long chứa nhiều nước và có mức năng lượng vừa phải: 50 kcal/100g. Bên cạnh đó, quả thanh long còn chứa các chất dinh dưỡng như chất xơ, đường, chất béo, chất đạm, vitamin B3, vitamin C, Canxi, Phốt pho và Sắt.

Theo y học cổ truyền, thanh long có vị ngọt dịu, tính mát, hơi hàn, có tác dụng giải khát, giải nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng. Do đó, thanh long rất thích hợp với những người tiểu đường, hay bị táo bón hoặc nổi rôm sẩy.

Công dụng làm thuốc của hoa và thân thanh long

Hoa: Hoa thanh long có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, giải độc, chỉ khát, nhuận phế, tiêu viêm và giúp giảm ho, do đó được dùng trong điều trị bệnh viêm phế quản, lao hạch và lao phổi. Liều lượng: Mỗi ngày dùng 15 – 30g thuốc sắc (hoặc dùng khoảng 30g hoa thanh long nấu canh với thịt heo).

Thân: Thân thanh long có tác dụng tiêu viêm và kích thích tuần hoàn, được bỏ vỏ, bỏ gai rồi giã nát và đắp ngoài da (hoặc lấy nước ép bôi lên da) trong các trường hợp gãy xương, đinh nhọt.

Một số nghiên cứu về thanh long

Vỏ quả: Theo Tạp chí khoa học và công nghệ thực phẩm (Food science and Technology), chiết xuất vỏ thanh long có tác dụng chống oxy hóa và chất xơ của vỏ cũng là nguồn chất xơ giàu hoạt động. Bên cạnh đó, theo Tạp chí nghiên cứu thực phẩm quốc tế (International Food Research Journal), các chiết xuất ethanol, chloroform và hexane từ vỏ thanh long còn có hoạt tính kháng khuẩn, trong đó, chiết xuất chloroform có hoạt tính mạnh nhất.

Thịt quả: Theo Tạp chí y học của đại học Lampung (Medical journal of Lampung university), các chất trong quả thanh long có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu, giảm stress oxy hóa nên có tác dụng tốt đối với bệnh nhân tiểu đường. Bên cạnh đó, theo tạp chí của Thư viện nghiên cứu Pelagia (Pelagia Research Library), hoạt tính chống oxy hóa của thịt quả thanh long cao hơn phần vỏ quả. Trong đó, thịt quả thanh long ruột trắng có hoạt tính chống oxy hóa cao hơn thanh long ruột đỏ.

Lưu ý

- Loại thanh long được đề cập trong bài viết này là thanh long vỏ đỏ ruột trắng. Bên cạnh đó, còn có các loại thanh long khác như thanh long vỏ đỏ ruột đỏ (Hylocereus costaricensis), thanh long vỏ vàng ruột đỏ (Hylocereus megalanthus) với những tính chất khác nhau.

- Những người tì vị hư hàn hay đang bị tiêu chảy không nên ăn thanh long. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai hay đang trong chu kỳ kinh nguyệt cũng cần cân nhắc trước khi dùng.

- Không ăn thanh long chung với sữa bò để tránh ảnh hưởng đến tiêu hóa.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer