Thời gian ăn sáng tốt nhất là khi nào?

Bữa sáng rất quan trọng giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể sau thời gian dài nghỉ ngơi. Để các chất dinh dưỡng được hấp thụ một cách tốt nhất, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra khung giờ lý tưởng để ăn sáng.
14/12/2020 14:38

"Tôi thường phải dậy sớm để di chuyển từ Hà Nội lên Thái Nguyên để đi làm. Do đó, từ 6h đã phải xuất phát và đây cũng là thời điểm tôi ăn sáng. Nhưng vì ăn sáng quá sớm nên tôi không có cảm giác ngon miệng dù đói. Tôi muốn hỏi, thời gian nào ăn sáng là tốt nhất?" (Thanh Sơn, Hà Nội)

Như chúng ta đã biết, sau một đêm dài nghỉ ngơi, cơ thể cần được bù đắp năng lượng, nhiệm vụ này thuộc về bữa sáng. Tuy nhiên, nhiều người lại không có thói quen ăn sáng, thường xuyên bỏ bữa này để buổi trưa ăn được nhiều hơn và ngon miệng hơn. Tuy nhiên, bỏ bữa sáng là việc làm sai lầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

thoi gian an sang

Hình minh họa.

Theo Style Craze một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA (Mỹ) cho biết nếu nam giới bỏ bữa sáng tăng 27% nguy cơ kéo dài cơn đau tim so với những người ăn sáng, làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch mãn tính trong đó có đột quỵ, căn bệnh gây nguy cơ tử vong hàng đầu thế giới. 

Bỏ bữa sáng thường sẽ khiến bạn ăn nhiều vào bữa khác trong ngày để bù đói, do đó có khả năng dẫn đến béo phì. Theo một đánh giá của trung tâm nghiên cứu ung thư tại Anh được công bố trước đó, những người thừa cân béo phì có nguy cơ cao phát triển bệnh ung thư.

Bỏ bữa sáng còn có thể gây ra hiện tượng tăng cân chóng mặt, rụng tóc, hơi thở có mùi hôi, bệnh tiểu đường tuýp 2... đã được nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra.

Do đó, chúng ta cần phải duy trì việc ăn sáng hằng ngày để cơ thể được khỏe mạnh. Và thời gian ăn sáng cũng cần được lên lịch một cách hợp lý và khoa học.

Theo nhiều nghiên cứu từng công bố trước đó, thời gian lý tưởng cho bữa sáng là vào khoảng thời gian từ 7 – 8 giờ và sau khi ngủ dậy từ 20 – 30 phút. Bữa sáng nên cách bữa trưa phải ít nhất từ 4 – 5 tiếng.

Thực tế, việc ăn sáng quá sớm ngay sau khi thức dậy sẽ làm ảnh hưởng tới thời gian nghỉ ngơi của dạ dày và hệ tiêu hoá, từ đó làm giảm khả năng nhu động của ruột trong việc tiêu hoá thức ăn. Ngược lại ăn sáng quá muộn lại làm bạn mất cảm giác ngon miệng trong bữa trưa và làm rối loạn hoạt động của đồng hồ sinh học đã được định sẵn trong cơ thể.

Trúc Bạch (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer