Thực phẩm chế biến sẵn: Kẻ thù âm thầm gây béo phì

Tỷ lệ béo phì tại các thành phố lớn đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại, trong đó, thực phẩm chế biến sẵn được xác định là một trong những nguyên nhân chính.
23/05/2025 17:49

Nhóm thực phẩm này bao gồm: Đồ ăn nhanh như gà rán, hamburger; Các sản phẩm đông lạnh, đóng hộp; cùng nhiều món ăn đóng gói phổ biến như xúc xích, pizza, mì ăn liền, bánh kẹo… Việc tiêu thụ thường xuyên các loại thực phẩm này được cảnh báo có thể góp phần làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan đến sức khỏe.

Tác động của thực phẩm chế biến sẵn đến cơ thể 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thực phẩm chế biến sẵn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây béo phì toàn cầu. Cụ thể:

- Chứa hàm lượng calo cao chủ yếu từ đường, chất béo bão hòa và tinh bột tinh chế.

- Thiếu chất xơ và protein khiến người dùng nhanh đói, dễ ăn quá mức.

- Gây kích thích vị giác với các chất điều vị như bột ngọt, hương liệu tổng hợp khiến người ăn khó kiểm soát lượng tiêu thụ.

Một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng cho thấy, người ăn thực phẩm chế biến sẵn có xu hướng tiêu thụ nhiều calo hơn và dễ tăng cân hơn so với người ăn thực phẩm ít chế biến.

z6631619149079_bf0c5e41d0191faf69a26f668753614e

Thực phẩm chế biến sẵn (Ảnh minh họa) 

Theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì của người trưởng thành ở Việt Nam đã tăng từ 10,5% năm 2010 lên 21,3% năm 2020. Trong khi đó, khoảng 42,3% học sinh từ 11 đến 14 tuổi tại các đô thị lớn có nguy cơ thừa cân, béo phì do thói quen ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ít vận động.

Giải pháp toàn diện: Ăn uống khoa học kết hợp thể thao

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, nên kết hợp thực phẩm chế biến sẵn với thực phẩm tươi sống như rau xanh, trái cây, đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Điều này giúp cơ thể được cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa, giảm hấp thu chất béo xấu và kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, không chỉ thay đổi thói quen ăn uống, việc duy trì hoạt động thể chất thường xuyên cũng đóng vai trò quan trọng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người lớn nên dành ít nhất 150 phút tập luyện thể thao cường độ vừa mỗi tuần (như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội...) để duy trì sức khỏe tim mạch, tăng cường trao đổi chất và ngăn ngừa các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, huyết áp cao.

Thực phẩm chế biến sẵn tuy tiện lợi nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu tiêu thụ thường xuyên. Thay đổi lối sống bao gồm nhận thức đúng về dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn lành mạnh và tích cực vận động là chìa khóa then chốt để phòng chống béo phì và các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Khả Bích (Tổng hợp) 

comment Bình luận