Thực phẩm có lợi cho người mắc bệnh thận

Bệnh thận mạn tính (CKD) là tình trạng suy giảm chức năng thận không thể phục hồi, khiến cơ quan này không thể lọc máu, dẫn đến tích tụ chất thải trong cơ thể. Do đó, bệnh nhân cần kiểm soát nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng.
02/01/2024 18:19

Ở giai đoạn đầu, họ cần dung nạp ít natri, nhất là nếu đã mắc các bệnh như tiểu đường tuýp 2 hoặc huyết áp cao. Ở giai đoạn tiến triển, họ cần hạn chế tiêu thụ prôtêin, thực phẩm giàu kali và phốt-pho. Dưới đây là những nhóm thực phẩm có lợi cho bệnh nhân CKD:

Các loại rau gia vị

Do thận không còn kiểm soát tốt việc dung nạp natri vào cơ thể, nên bệnh nhân CKD cần hạn chế tiêu thụ muối để tránh huyết áp tăng cao - yếu tố làm trầm trọng hơn tình trạng suy thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Mức tiêu thụ natri được khuyến cáo cho người mắc bệnh thận là dưới 2.300mg natri/ngày.

Trong khi đó, một biện pháp hữu hiệu để giảm tiêu thụ natri là sử dụng các loại rau gia vị (như gừng, hương thảo, càri, húng tây). Tương tự, tỏi và hành là lựa chọn tuyệt vời để thêm vào thức ăn, vì chúng vừa giúp tăng thêm hương vị món ăn vừa giúp cắt giảm lượng tiêu thụ muối hoặc các gia vị có thành phần phốt-pho. Ngoài ra, tỏi và hành còn chứa allicin - chất có công dụng giảm huyết áp và cải thiện tình trạng rối loạn chức năng thận.

benhthan

(Ảnh minh họa: Health)

Các loại quả mọng (như dâu tây, việt quất, mâm xôi)

Không chỉ giàu chất chống ôxy hóa có lợi cho tim mạch, nhóm thực phẩm này còn chứa ít kali, nên có lợi cho bệnh nhân CKD - những người cần phòng tránh tình trạng tăng vọt hàm lượng kali trong máu. Hơn nữa, tiêu thụ các loại quả mọng còn giúp giảm huyết áp - một yếu tố nguy cơ khác ở người mắc bệnh thận.

Ngũ cốc tinh chế (như bánh mì trắng, mì ống, gạo…)

Ðáng ngạc nhiên nhưng sự thật là nhóm thực phẩm này có lợi cho người có chức năng thận suy giảm trầm trọng, cần hạn chế lượng phốt-pho/kali trong cơ thể. Trong khi đó, các thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt chứa hàm lượng cao phốt-pho và kali hơn, nên bệnh nhân CKD cần hạn chế tiêu thụ.

Trứng

Tuy bệnh nhân CKD cần hạn chế dung nạp prôtêin quá mức (để tránh tình trạng tích tụ quá nhiều chất thải trong máu và thận không thể đào thải hết), nhưng họ vẫn cần prôtêin để duy trì khối lượng cơ và giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Trứng là nguồn cung tốt về prôtêin, trong khi chứa ít phốt-pho.

Dầu ôliu

Một chế độ ăn “thân thiện” đối với bệnh nhân CKD cần chứa ít chất béo bão hòa. Vì là chất béo lành mạnh, dầu ôliu là lựa chọn tốt nhất để nấu ăn cho người mắc bệnh này. Theo một nghiên cứu, chế độ ăn Ðịa Trung Hải (nhiều trái cây, rau củ, cá béo và chất béo tốt cho tim như dầu ôliu) có thể giúp giảm 50% nguy cơ khởi phát CKD và giảm 42% nguy cơ suy giảm nhanh chức năng thận.

Các loại rau họ cải (như bắp cải, bông cải trắng, cải xoăn)

Với ưu điểm giàu chất xơ nhưng lại ít kali và phốt-pho, nhóm rau này trở thành một lựa chọn lành mạnh cho người mắc bệnh thận.

Nước

Cơ thể cần nước để giúp thận loại bỏ chất thải ra khỏi dòng máu và giữ cho các mạch máu thông thoáng, đảm bảo cung cấp máu đến thận. Bổ sung đủ nước cũng giúp giảm nguy cơ phát triển sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu - hai tình trạng đều gây hại cho thận. Theo một nghiên cứu, càng tiêu thụ nhiều caffeine (chất có nhiều trong trà và cà phê), bệnh nhân CKD càng giảm nguy cơ tử vong vì mọi nguyên nhân. Tuy nhiên, những người đang ở giai đoạn cuối cần giảm dùng các thực phẩm chứa nhiều nước, với đa số trường hợp lọc máu phải giới hạn tiêu thụ chất lỏng ở mức dưới 946ml/ngày.

Theo Health.com

comment Bình luận

largeer