Thực trạng, giải pháp CSSK người cao tuổi, sức khỏe cộng đồng và nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở bằng Y học cổ truyền

Ngày 2/6, Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức tọa đàm "Thực trạng, giải pháp chăm sóc sức khỏe (CSSK) người cao tuổi, sức khỏe cộng đồng và nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở bằng Y học cổ truyền".
03/06/2023 23:36

Tham dự tọa đàm, về phía Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (GDCSSKCĐ) có ông Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam. Các Phó Chủ tịch Hội: Tiến sĩ Lê Đình Tiến - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Nguyễn Mạnh Thản; TS.BS.TTND. Lê Thị Hằng. Cùng các ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Tại tọa đàm còn có sự hiện diện của ông Phan Văn Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; Ông Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ cơ cấu Dân số, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế; Ông Hồ Minh Tân - Ủy viên thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP. Hà Nội; Ông Trương Việt Bình - TTND, Nguyên Giám đốc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam; Ông Lê Xuân Giao - Nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật; Ông Nguyễn Văn Dung - Nguyên Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Đông y TP. Hà Nội; Ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Cùng các ông/bà là đại diện lãnh đạo các Hội của Trung ương, thành phố, các quận huyện thuộc TP. Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam cho biết: Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới xác định: Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. “Xác định phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, lấy y tế dự phòng là then chốt; Y tế cơ sở là nền tảng... trên cơ sở đó xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập”.

Sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cộng đồng có phạm vi rất rộng lớn bao gồm sức khỏe về thể chất, sức khỏe về tâm lý tinh thần và sức khỏe môi trường.

Ông Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Ông Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, một tổ chức xã hội tự nguyện với mục đích tôn chỉ là: “Đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”, đã tích cực tập hợp, đoàn kết các các nhân, tổ chức cùng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng trên tinh thần thiện nguyên, nhân đạo, không vụ lợi, Góp phần cùng ngành y tế tạo điều kiện cho mọi người, mọi lứa tuổi được chăm sóc sức khoẻ từ cơ sở, thực hiện thắng lợi chủ trương xã hội hoá công tác y tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Đây là sự nghiệp được Hội xác định có ý nghĩa chính trị, nhân văn, đạo lý hết sức sâu sắc; đại nhân đại nghĩa và trường tồn cùng dân tộc.

Hoạt động của Hội được triển khai khá toàn diện trên các lĩnh vực về sức khỏe, tập trung vào công tác truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức cho cộng đồng về sức khỏe và tự chăm sóc nâng cao sức khỏe; các kiến thức kỹ năng về giáo dục sớm trẻ em; tham gia phản biện về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… Đối tượng tập trung chăm sóc là người cao tuổi, trẻ em, đồng bào vùng sâu vùng xa khó khăn… tạo ra phong trào tự chăm sóc sức khỏe rộng rãi trong công đồng ở cơ sở, làm cho mọi người hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của việc “tự chăm sóc sức khoẻ cho chính mình, từ sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần đến sức khỏe môi trường”, góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe nhân dân, đầy lùi bệnh tật, phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí của xã hội, giảm tải cho bệnh viện, được xã hội và các cơ quan chức năng ghi nhận, đánh giá cao.

Quán triệt Nghị quyết 20 của Ban CHTW Đảng khóa XII, các quyết định, chương trình Chăm sóc sức khỏe của Thủ tướng Chính phủ, Hội đã chỉ đạo xây dựng “Đề án góp phần củng cố hệ thống y tế cơ sở và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu”; “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng” và từng bước chỉ đạo các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện, rút kinh nghiệm nhằm tìm ra các nội hàm chủ yếu: Nội dung, phương thức, mô hình hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng hiệu quả.

"Tuy chưa tổng kết, nhưng qua thực tế triển khai, bước đầu đã có thể rút ra một số cách làm, mô hình có hiệu quả. Hội sẽ chỉ đạo để tiến tới tổng kết rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Và hôm nay, tại buổi tọa đàm này, tôi hy vọng sẽ có thêm một mô hình mới tại địa phương Ba Vì để triển khai rộng rãi ra các địa phương", ông Nguyễn Hồng Quân bày tỏ.

Ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, TP. Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm

Ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, TP. Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, TP. Hà Nội cho hay: Nền Y học cổ truyền Việt Nam được bắt nguồn từ một nền y học dân gian phong phú. Thông qua thực tiễn nhiều đời, các kinh nghiệm được đúc kết thành lý luận y học cổ truyền, gần gũi và biện chứng từ phòng bệnh đến chẩn trị, bào chế thuốc men. Do vậy có thể khẳng định rằng đây là một nền y học của dân, do dân và vì dân.

Hiện nay, huyện Ba Vì có trên 1.000 cán bộ ngành y tế, trong đó cán bộ làm công tác đông y chiếm 10% và gần trên 400 hội viên Hội đồng Y hoạt động lĩnh vực Y học cổ truyền; đồng thời với sự quan tâm đầu tư, sửa chữa, xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế... đã nâng tỉ lệ khám, điều trị bệnh cho người dân bằng y học cổ truyền tại y tế cơ sở đạt trên 30%. Bên cạnh đó xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả góp phần bảo tồn, phát triển các nguồn dược liệu quý như Công viên thảo dược Đảo Ngọc Xanh thuộc Công ty Du lịch Ao Vua nuôi trồng và bảo tồn trên 500 loài cây thuốc quý, Mô hình vườn thuốc nam Trạm Y tế xã, Xã tiên tiến Y học cổ truyền, mô hình làng nghề thuốc nam xã Ba Vì,...

Tuy nhiên, phải đánh giá rằng, hiện tại Y học cổ truyền trên địa bàn huyện vẫn chưa phát huy hết những tiềm năng sẵn có. Đặc biệt trong những năm tới, những vấn đề sức khỏe cộng đồng như các bệnh mãn tính không lây (cơ xương khớp, đái tháo đường, tim mạch...), tình trạng già hóa dân số, các bệnh dịch mới nổi có xu hướng gia tăng, con người hướng đến sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc, các thuốc có nguồn gốc tự nhiên để chăm sóc sức khỏe đòi hỏi nền Y học cổ truyền của chúng ta những thách thức và cơ hội mới.

"Với những vấn đề trên, hôm nay UBND huyện Ba Vì phối hợp với Công ty cổ phần Ao Vua và Viện nghiên cứu sức khỏe Người cao tuổi và Y tế cộng đồng tổ chức Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe cộng đồng và nâng cao hiệu quả của y tế cơ sở bằng Y học cổ truyền”. Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập huyện Ba Vì, qua đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của nền Y học cổ truyền trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thông qua buổi tọa đàm hôm nay, kính mong các nhà khoa học, các quý vị đại biểu khách quý tiếp tục có những ý kiến đóng góp về công tác Y học cổ truyền của thành phố Hà Nội nói chung và huyện Ba Vì nói riêng để công tác chăm sóc sức khỏe người dân bằng đông y ngày càng phát triển, góp phần nâng cao công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện", ông Nguyễn Đức Anh bày tỏ.

Ông Nguyễn Mạnh Thản - Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Ông Nguyễn Mạnh Thản - Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Là người luôn trăn trở về việc phát triển, mở rộng xu thế chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi, sức khỏe cộng đồng bằng Y học cổ truyền tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Thản - Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam nhấn mạnh: "Tại buổi tọa đàm ngày hôm nay, chúng ra cùng lắng nghe những ý kiến, tham luận về sức khỏe Người cao tuổi nói riêng và những tác động xấu của thời kỳ biến đổi khí hậu lên sức khỏe con người nói chung. Đồng thời, buổi tọa đàm sẽ đưa ra các giải pháp về Tây y cũng như Y học cổ truyền nhằm giúp người dân bảo vệ sức khỏe tận gốc, nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật thông qua các phương pháp ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện,... và các phương pháp Y học cổ truyền như bấm huyệt. châm cứu, trị liệu thải độc,... Sau buổi hôm nay, chúng tôi sẽ tổ chức buổi hội thảo sâu hơn để những phương pháp chăm sóc sức khỏe cho người dân được ứng dụng thực tiễn và lan tỏa rộng rãi ra cộng đồng đến toàn xã hội".

Lãnh đạo Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Hội Nam y Việt Nam tham dự tọa đàm

Lãnh đạo Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Hội Nam y Việt Nam tham dự tọa đàm

Trong khuôn khổ tọa đàm, các bài tham luận và ý kiến tập trung trao đổi về các chủ đề: Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe Nười cao tuổi tại nhà; Thực trạng và giải pháp phát triển, duy trì hoạt động các Câu lạc bộ dưỡng sinh; Thực trạng và giải pháp dành cho tuyến y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi tại cộng đồng; Hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe tại huyện Gia Lâm; Hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi tại xã An Khánh - Hoài Đức;...

Thu Trang

comment Bình luận

largeer