Tình trạng ngập nước mưa trên địa bàn thành phố Hải Phòng: Cần đồng bộ hệ thống thoát nước (kỳ 1)

Vài năm gần đây, tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi xảy ra mưa lớn. Nguyên nhân chính gây ngập úng lại chính là vì hệ thống thoát nước không những manh mún, chắp vá mà còn được dùng chung cả nước mưa và nước thải gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân và ô nhiễm môi trường.
15/01/2024 16:03

Kỳ 1: Đô thị hóa nhưng chưa hệ thống hóa đường thoát nước

Hệ thống thoát nước chưa được quan tâm theo kịp tốc độ đô thị hóa của thành phố khiến nhiều khu vực của thành phố bị ngập lụt sau những trận mưa lớn, không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn gây nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt, công việc, sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Mưa lớn là ngập

Sáng ngày 28/9, xe bị chết máy ngay giữa đường Trần Tất Văn, phường Tràng Mình (quận Kiến An, TP Hải Phòng), trong dòng nước cống ùn lên đen ngòm lẫn với nước mưa, nước trên núi chảy xuống cùng đất núi đỏ đục ngầu, chị Nguyễn Thị Tươi ở xã Tân Viên (huyện An Lão, TP Hải Phòng) phải dắt xe lội bì bõm trong nước. Không chỉ mình chị Lan, trên đường Trần Tất Văn có hàng dài người điều khiển xe máy, ô tô nhích từng chút một trên đoạn đường hơn 2 km. Hai bên đường là hàng trăm chiếc xe máy cùng người tham gia giao thông không thể tiếp tục đi mà phải lên vỉa hè chờ cho nước mưa trên đường vơi bớt. Chị Nguyễn Thị Tươi chia sẻ: "Cứ mỗi lần có mưa, là bấy nhiêu lần chị dắt xe trong nước ngập, chết máy vì cháy buri. Có lần chị còn ngã xuống nước bẩn, quần áo ướt hết phải xin nghỉ làm, trú tạm lên vỉa hè chờ nước rút".

z4929805934062_3ac1cb47703b36a9d058c46203b1e754

Công ty Cổ phần công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng phụ trách việc quản lý hệ thống thoát nước, các hồ điều hoà, các cống ngăn triều trên địa bàn quận Kiến An, cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn quận Kiến An có một số tuyến đường bị ngập lụt cục bộ do mưa lớn, ngày 28/9 với lượng mưa trên 100 mm như: Đường Trần Thành Ngọ, đoạn từ cổng Công ty May 2 đến ngã 3 Hiệu sách; Đường Phan Đăng Lưu, đoạn cổng A Đại học Hải Phòng và đoạn Bưu điện Kiến An đến lối rẽ đường Cổng Rồng); Đường Trường Chinh, đoạn từ chợ Đầm Triều đến ngã 6 Quán Trữ; Và một số tuyến đường như: Trần Tất Văn, Trần Văn Cẩn, Thi Đua, Phù Lưu, Trương Đồng Tử, Nguyễn Công Mỹ, Khúc Trì, Cao Toàn, Trần Nhân Tông…

Theo thống kê từ Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng, trên địa bàn thành phố còn tồn tại một số những khu vực thường xuyên ngập lụt, khi có mưa lớn đặc biệt là khi triều cường lên như: Khu vực đường Hùng Vương từ ngã ba chân cầu Bính - Vinhomes Imperia đến bến xe Thượng Lý (quận Hồng Bàng); Khu vực đường Tô Hiệu, Chùa Hàng, Đình Đông... (quận Lê Chân); Khu vực đường Lương Khánh Thiện, Cầu Đất, Nguyễn Bình (quận Ngô Quyền); Khu vực các đường Trung Lực, Lực Hành, Bến Láng, Nguyễn Đồn, khu dân cư cuối đường Đồ Nhuận (quận Hải An)… Chỉ cần cơn mưa lớn kéo dài chừng 2 tiếng đồng hồ là các tuyến đường, khu vực nêu trên ngập sâu đến 30-40 cm nước. Với những cơn mưa lớn trên 100 mm thì tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập lụt, cá biệt có các khu vực ngập sâu tới 50 cm ảnh hưởng nhiều đến giao thông đi lại và đời sống của bà con nhân dân.

Anh Trịnh Hoàng Giang, người dân ở ngõ 681 phố Ngô Gia Tự (quận Hải An) bức xúc: "Trận mưa nhỏ thì khoảng nửa ngày nước rút. Với những trận mưa lớn, kéo dài trung bình mất từ 1 đến 2 ngày, nước mới rút hết. Nước thải lẫn nước mưa đen sì cứ thế tràn vào nhà, gây hỏng đồ đạc, ảnh hưởng sinh hoạt. Cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn vào mùa mưa bão hằng năm".

Thực tế cho thấy, người dân rất bức xúc vì nước ngập trên địa bàn không chỉ khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, mà còn gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng xấu đến sản xuất. Hệ thống thoát nước mưa dùng chung hệ thống thoát nước thải nên có bị tình trạng nước thải chảy ngược lại đường, ngõ tràn vào nhà gây ô nhiễm môi trường, trở thành nỗi hãi hùng trong cuộc sống của người dân.

z4929806096785_5c82969b50af8ad56b12c8ce240869fb

Hệ thống thoát nước vừa yếu, vừa thiếu

Có nhiều nguyên nhân được dẫn chứng cho tình trạng ngập lụt hiện nay như ảnh hưởng của biến đối khí hậu khiến lượng mưa ngày càng lớn. Tuy nhiên nguyên nhân chính vẫn là do tốc độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói chung và hệ thống thoát nước nói riêng không theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Hiện nay, hệ thống thoát nước trên địa bàn 5 quận trong tình trạng vừa thiếu, yếu, không đồng bộ dẫn đến xuất hiện điểm chững, tình trạng “thắt cổ chai”.

Phụ trách việc tiêu thoát nước trên địa bàn quận Kiến An, sáng ngày 1/10, ông Vũ Đức Phúc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng (quận Kiến An) cho biết: Hiện nay, lượng mưa ngày càng gia tăng, mưa có cường độ lớn, thời gian mưa dài trên một diện rộng cao gấp đôi thậm chí gấp 3 - 4 lần cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa cao nhiều tuyến ao, hồ tại khu vực các chân núi, tại các khu dân cư bị lấp không còn điểm chứa và thoát nước; Nhiều tuyến kênh và mương hở bị lấp thay bằng cống bê tông nhỏ hơn và kín khiến hệ thống thoát nước mặt gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, quận Kiến An nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, tác động của biến đổi khí hậu đặc biệt là nước biển dâng. Địa hình đồng bằng nằm xen kẽ đồi núi trong đó có núi Thiên Văn diện tích 174 ha và núi Cột Cờ diện tích 125 ha. Khi mưa lớn lượng nước từ hai dãy núi trên đổ xuống rất lớn kết hợp với lượng nước mưa từ các tuyến đường và khu dân cư gây ngập lụt cục bộ cho một số tuyến đường chính như Trần Thành Ngọ, Trần Tất Văn, Phan Đăng Lưu. Trong quá trình phát triển đô thị quận Kiến An do trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tầm nhìn và vốn đầu tư khác nhau, nên đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hệ thống thoát nước nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước khi lượng mưa lớn hơn 60 mm kết hợp cùng với triều cường lớn.

Còn tại địa bàn 4 quận trung tâm gồm Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Hồng Bàng, Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng thông tin: Hệ thống thoát nước cũ tại 4 quận nêu trên được xây dựng từ thời Pháp, chưa đồng bộ, chắp vá. Hệ thống thoát nước đô thị Hải Phòng vẫn đan xen giữa cũ và mới và là hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước thải sinh hoạt thoát cùng một hệ thống) nên khả năng tiêu thoát nước không đồng đều. Kích thước đường cống nhỏ (D400 ÷ D1000) chiếm tỷ lệ lớn (chiếm khoảng 82,66%), cống trục loại từ D1200 ÷ D2000 chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 17,34% tổng chiều dài hệ thống thoát nước). Mật độ đường cống thoát nước của 4 quận chỉ đạt khoảng 3.0km/km2 thấp hơn so với chỉ tiêu theo quy định đối với đô thị loại I là tối thiểu ≥4km/km2. Cùng với đó, diện tích hồ điều hòa có khoảng 70 ha mới chỉ đạt khoảng 20% so với diện tích hồ điều hòa cần có của khu vực đô thị lõi theo quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt (không bao gồm phần lưu vực Nam Đình Vũ và đảo Cát Hải). Việc thiếu các hồ điều hòa làm giảm khả năng lưu trữ nước, điều tiết nước mặt. Diện tích hồ điều hòa trên địa bàn các quận chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 0,6% (70ha/12.765,39ha), theo tiêu chí của đô thị loại I, tính riêng 4 quận nội thành còn thiếu 567 ha hồ điều hòa. Trong khi đó, hiệu quả điều tiết nước của các hồ hiện nay chưa cao vì công trình nối tiếp giữa hồ và hệ thống kênh thoát nước chưa bảo đảm cao độ, nước trong cống không thoát hết vào hồ. Ngoài ra, các hồ thoát ra sông chưa có trạm bơm công suất lớn tiêu nước chủ động. Một số hệ thống kênh, mương tiêu thoát trong quá trình đô thị hóa bị san lấp, thu hẹp dòng chảy như đoạn An Kim Hải từ cầu vượt Lạch Tray đến khu vực cầu vượt Đông Hải, tuyến mương Sở Dầu… có thể nói, hệ thống thoát nước khu vực tại 4 quận nội thành hiện mới cơ bản đáp ứng được với những cơn mưa có cường độ trung bình 50 mm. Tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh trong khi đó hệ thống thoát nước tại các khu vực trên chưa phát triển kịp cùng với tốc độ đô thị hóa.

Sở Xây Dựng Hải Phòng thông tin chia sẻ: Hệ thống thoát nước đã thiếu và yếu song trong quá trình đô thị hóa, các doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng các khu nhà dự án chỉ chú trọng xây nhà để bán, các hạng mục, hạ tầng khác trong đó có hệ thống thoát nước chỉ “làm cho có”. Nhiều dự án hạ tầng thi công kéo dài làm cản trở, gây ách tắc thoát nước. Một số dự án sau khi triển khai không thực hiện đấu nối hạ tầng hoặc đấu nối không đảm bảo kỹ thuật, hoặc chuyển hướng dòng chảy cho các tuyến cống thoát nước sang các lưu vực khác dẫn đến ngập lụt. Bên cạnh đó, hành vi xả rác thải xuống hồ điều hòa, mương thoát nước, lấp bịt ga thu nước của người dân còn diễn ra khá phổ biến cũng là một nguyên nhân góp phần làm giảm khả năng tiêu thoát nước của hệ thống nên dẫn đến ngập lụt đô thị ngày càng nghiêm trọng hơn.  

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở kỳ tiếp theo!

Thanh Thương - Đăng Huỳnh

comment Bình luận

largeer