TP. Hồ Chí Minh đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2024

Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh có văn bản khẩn gửi các địa phương và đơn vị liên quan triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2024 trên địa bàn TP. HCM.
16/04/2024 14:16

Văn bản nêu: Trong thời gian qua, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xảy ra các sự cố liên quan an toàn thực phẩm khiến nhiều người nhập viện. Nguyên nhân chủ yếu của vụ việc là do điều kiện thời tiết nắng nóng tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật hoặc do ăn/uống phải các thực phẩm không đảm bảo an toàn (như các sản phẩm rượu có chứa methanol, sản phẩm có chứa độc tố botulinum, con so biển, cá nóc…).

Nhằm kịp thời ngăn chặn các sự cố liên quan an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Sở An toàn thực phẩm đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và quận, huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, trong đó, cần chú ý ngộ độc do các loại thực phẩm bị biến chất, ô nhiễm vi sinh vật, ngộ độc do rượu, ngộ độc botulinum. 

Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống (hàng quán xung quanh trường học, cơ sở suất ăn từ thiện…), các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động và công khai thông tin, hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trường hợp thuộc đối tượng phải cấp giấy) để cảnh báo cho người dân.

tphcm3

(Ảnh minh họa: LĐO)

Chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, thuốc men và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi có sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc khai báo khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.

Sở Y tế thành phố hỗ trợ cung cấp thông tin các sự việc mất an toàn thực phẩm được ghi nhận từ hệ thống các bệnh viện, cơ sở điều trị trên địa bàn thành phố. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc men và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc khai báo khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm phù hợp tình hình thực tế tại đơn vị.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông với nhiều hình thức (báo tường, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt dưới cờ…), cập nhật các kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đến toàn thể giáo viên, nhân viên, cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm, học sinh,… nhằm nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm hết hạn sử dụng, bị biến dạng không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh, học sinh không mua quà vặt, hàng rong trước cổng trường nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Hướng dẫn các em học sinh thực hiện các quy định về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường đặc biệt trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng.

Yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn có tổ chức căng tin, bếp ăn tập thể nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, điều kiện trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người… trong suốt quá trình sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát nguồn nguyên liệu nhập vào các cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm tại trường. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tề tại đơn vị. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, quản lý, tập trung nội dung: các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn...

Phối hợp Sở An toàn thực phẩm trong công tác kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở dịch vụ ăn uống tại các tổ chức, trung tâm thuộc thẩm quyền quản lý của Sở.

Đăng Khải

comment Bình luận

largeer